Nhiều điểm mới trong tuyển sinh lớp 10 ở TP Hồ Chí Minh

N.M (t/h)-Thứ bảy, ngày 02/04/2022 06:30 GMT+7

Ảnh minh họa: NLĐ

VTV.vn - Trong kỳ thi tuyển sinh năm nay, cả 3 môn thi Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ sẽ áp dụng hệ số 1 thay vì nhân đôi hệ số đối với 2 môn Ngữ văn và Toán như trước.

Kiến thức đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, sẽ không có các phần kiến thức đã được Bộ GD-ĐT giảm tải trong thời gian học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đặc biệt năm nay, đề thi sẽ có khoảng 70-80% kiến thức ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Tỷ lệ câu hỏi vận dụng chiếm hơn 10%, còn câu hỏi vận dụng cao ít hơn 10% ở từng bộ môn.

Theo VNE, trong kế hoạch của UBND TP Hồ Chí Minh, việc tuyển sinh lớp 10 được tổ chức theo phương thức thi tuyển, áp dụng cho học sinh tốt nghiệp THCS tại thành phố, trong độ tuổi quy định.

Học sinh được đăng ký 3 nguyện vọng vào các trường THPT (trừ chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa và Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Các em được khuyến cáo chọn trường gần nơi cư trú, tránh trường hợp trúng tuyển nhưng không học. Học sinh không được thay đổi nguyện vọng sau khi trúng tuyển.

Nội dung đề thi nằm trong chương trình THCS, chủ yếu ở lớp 9. Điểm bài thi là tổng điểm thành phần từng câu hỏi trong đề thi, tính theo thang điểm 10, điểm lẻ đến 0,25. Điểm xét tuyển là tổng điểm 3 môn thi, tính theo hệ số một và điểm cộng ưu tiên. Thí sinh trúng tuyển phải dự thi đủ 3 bài và không có bài nào bị điểm 0.

Cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 công lập ở TP Hồ Chí Minh

Đề thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023 ở TP Hồ Chí Minh dự kiến có cấu trúc, nội dung và độ phân hóa giống mọi năm, nhưng tăng thời lượng thi môn Tiếng Anh lên 90 phút.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập diễn ra ngày 11/6 và 12/6 với 3 môn Toán, Văn (mỗi môn 120 phút), Tiếng Anh (90 phút). Đây là năm đầu tiên, công thức xét tuyển 3 môn theo hệ số 1 được áp dụng, thay vì nhân đôi điểm Toán, Văn như những năm trước.

Theo dự kiến, môn Tiếng Anh có thời gian làm bài 90 phút với 40 câu trắc nghiệm. So với những năm trước, đề thi tăng thời gian làm bài 30 phút và nhiều hơn 4 câu hỏi. Nội dung đề thi quen thuộc với các chủ điểm ngữ pháp, từ vựng chủ yếu trong chương trình lớp 9. Đề không chú trọng về ngữ pháp mà nghiêng về kỹ năng, vận dụng và từ vựng.

Đề Tiếng Anh có 10%-15% câu hỏi mức độ nâng cao để phân hóa thí sinh. Những nội dung kiến thức giảm tải sẽ không có trong đề thi.

Đề môn Toán giữ nguyên cấu trúc với 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, 30% vận dụng, vận dụng cao. Do COVID-19 kéo dài, học sinh phải học online liên tục, mức độ vận dụng cao trong đề thi sẽ được cân nhắc cho phù hợp.

Đề Toán dự kiến gồm 8 câu hỏi, trong đó 7 câu là kiến thức cơ bản với nội dung đồ thị, định lý Viet, điều kiện có nghiệm của phương trình, vận dụng kiến thức đã học giải bài toán thực tế. Câu hỏi còn lại là bài toán hình học phẳng, gồm 3 bài toán nhỏ.

Theo lưu ý của Sở, học sinh thường gặp khó với bài toán thực tế ở khâu đọc hiểu, không hình dung được các vấn đề thực tế như lãi suất tiền gửi, thể tích, chu vi. Do đó, ngoài nắm kiến thức toán học, học sinh cần rèn luyện các kiến thức thực tế.

Với môn Văn, cấu trúc đề thi gồm 3 phần: đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm). Phần đọc hiểu, đề có thể cho văn bản thông tin, nghị luận, khoa học với các câu hỏi sắp xếp từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng.

Phần nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh viết bài văn ngắn khoảng 500 chữ. Thí sinh cần đảm bảo cấu trúc bài viết đủ ba phần, gồm mở bài, thân bài, kết bài. Khi bàn luận vấn đề, thí sinh cần đúc rút được bài học nhận thức và hành động cho bản thân.

Phần nghị luận văn học, tinh thần của đề theo hướng mở, khuyến khích thí sinh tự do trình bày cảm nhận về tác phẩm văn học. Thí sinh sẽ có hai lựa chọn: câu hỏi yêu cầu phân tích, cảm nhận về tác phẩm truyện, thơ; câu hỏi với yêu cầu gợi mở hơn.

Hàng năm, TP Hồ Chí Minh có khoảng 100.000 thí sinh tốt nghiệp THCS; 80% số đó đăng ký thi tuyển vào lớp 10. Chỉ tiêu của 115 trường công lập ở TP Hồ Chí Minh là khoảng 65.000-67.000, nên mỗi năm có khoảng 15.000 học sinh trượt lớp 10 công lập.

Các em không vào được công lập có thể tiếp tục học tại các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc các trường trung cấp, cao đẳng nghề.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước