Chưa đầy một tháng nữa là đến ngày khai giảng của hơn 20 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước. Thời điểm này, các em học sinh đang háo hức vì sắp được bước vào một năm học mới. Tuy nhiên với những người làm công tác quản lý giáo dục, với giáo viên và phụ huynh, những lo lắng và trăn trở có khi còn lớn hơn sự vui mừng. Bởi, năm học vừa qua, những tồn tại trong ngành giáo dục vẫn chưa khắc phục được hiệu quả, đổi mới vẫn chưa thực sự thành công.
Sửa đổi cách đánh giá học sinh Tiểu học sát với thực thế
Đã hai năm qua, học sinh tiểu học không được chấm điểm mà chỉ nhận xét, đánh giá. Không thể phủ nhận thông tư 30 khiến cho học sinh bớt áp lực điểm số, tự tin, thoải mái hơn khi đến trường. Tuy nhiên, việc áp dụng máy móc khiến cho các giáo viên khá vất vả. Giữa các vùng, miền khác nhau, tính khả thi của Thông tư cũng khác nhau. Cho đến cuối năm học vừa rồi, những tranh cãi về cách đánh giá học sinh theo Thông tư 30 vẫn không giảm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang sửa đổi một số điều, mục trong Thông tư này theo hướng sát hơn với thực tế và áp dụng ngay từ năm học mới. Dự thảo đang trong quá trình bổ sung và sẽ được gửi các Sở GD&ĐT để lấy ý kiến trong tháng 8. Dự kiến Thông tư 30 đã sửa đổi sẽ được áp dụng từ năm học 2016 - 2017.
Đẩy mạnh phân luồng, hướng nghiệp trong năm học mới
Với những sinh viên vừa tốt nghiệp các trường Đại học, Cao Đẳng, trường nghề, những bước đi tiếp theo của các em có dễ dàng không phụ thuộc vào việc khi ra trường có tìm được một công việc tốt và phù hợp với khả năng hay không?
Một con số đáng suy ngẫm, theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước đang có khoảng 200.000 cử nhân đại học và trên đại học thất nghiệp. Tuy nhiên, nếu các thí sinh, gia đình, nhà trường và toàn xã hội có những định hướng nghề ngay từ bậc học phổ thông thì có lẽ con số này sẽ không cao đến như vậy.
"Đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông" được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học này. Nó có tác động trực tiếp đến hàng triệu học sinh, sinh viên và được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết vấn đề thừa - thiếu lao động bất hợp lý. Trong năm học này sẽ có những tiết học giúp các em hiểu rõ được mình học gì để sau này làm gì?
Với việc đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp, kỳ thi THPT Quốc gia năm sau, tỷ lệ học sinh lựa chọn những hướng đi khác ngoài đại học sẽ nhiều hơn nữa. Nếu làm tốt công tác hướng nghiệp thì chúng ta có thể hy vọng rằng trong vài năm tới, số cử nhân thất nghiệp sẽ giảm mạnh, thay vào đó là những người thợ lành nghề, thậm chí là những dự án khởi nghiệp chưa từng học qua các trường đại học.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.