Nâng chuẩn giáo viên: Canh cánh nỗi lo mất nghề

Đỗ Hòa - Mạnh Hùng-Thứ bảy, ngày 18/07/2020 09:53 GMT+7

Từ ngày 1-7, giáo viên các cấp mầm non, tiểu học, THCS bắt buộc phải nâng chuẩn trình độ sư phạm. Ảnh: Báo Nhân dân.

VTV.vn - Luật Giáo dục sửa đổi vừa có hiệu lực từ đầu tháng 7, trong đó có yêu cầu về nâng chuẩn giáo viên: giáo viên từ cấp tiểu học đến THPT bắt buộc phải có bằng đại học.

Việc nâng chuẩn giáo viên nhằm hướng tới việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đảm bảo mục tiêu đổi mới toàn diện và hoàn thiện ngành giáo dục. Tuy nhiên, khi quy định về nâng chuẩn giáo viên bắt đầu có hiệu lực cũng là lúc nảy sinh những vướng mắc trong việc đáp ứng được các tiêu chuẩn của quy định.

Sinh viên cao đẳng sư phạm: Nỗi lo mất nghề

Một năm sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Ngô Gia Tự, chuyên ngành tiếng Anh THCS, Huệ vẫn chưa có cơ hội được đứng lớp. Em không đậu trong kỳ thi tuyển dụng giáo viên năm ngoái của tỉnh, còn năm nay lại không đủ tiêu chuẩn theo quy định tuyển dụng.

"Năm nay em cũng muốn thi nhưng vừa rồi Sở vừa ra công văn là cao đẳng không được thi, chỉ có đại học mới được thi. Em không ngờ được là bỏ bằng cao đẳng nhanh như thế, nghĩ rằng phải một vài năm chứ không thể bỏ 100% ngay được. Em cũng như các bạn học cao đẳng thôi, rất hụt hẫng" - em Đặng Thị Huệ, Bắc Giang chia sẻ.

Nâng chuẩn giáo viên: Canh cánh nỗi lo mất nghề - Ảnh 1.

Em Đặng Thị Huệ (Bắc Giang)

Kế hoạch xét tuyển giáo viên năm 2020 của UBND tỉnh Bắc Giang ra ngày 01/07 theo đúng quy định về nâng chuẩn giáo viên của Luật giáo dục 2019 cũng khiến những sinh viên đang theo học năm 2, năm 3 tại trường cao đẳng địa phương lo lắng về cơ hội làm nghề của mình.

Về phía Trường Cao đẳng Sư phạm Ngô Gia Tự, đơn vị này cũng đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Bắc Giang cùng các ban ngành liên quan, đề xuất xem xét cho sinh viên tốt nghiệp ngành giáo dục tiểu học và các ngành THCS được tham dự các kỳ tuyển dụng giáo viên của tỉnh cho tới năm 2022. Bởi, nếu không sẽ có cả nghìn sinh viên chính quy tốt nghiệp của trường trong 5 năm qua không thể tham gia tuyển dụng.

Cũng theo thầy Tạ Hiếu, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Ngô Gia Tự, Bắc Giang, việc mất cơ hội thi tuyển không chỉ khiến cho các sinh viên mất đi cơ hội làm việc mà còn là sự lãng phí lớn đối với chi phí đầu tư giáo dục của nhà nước, 15,5 triệu mỗi năm cho một sinh viên.

Lối đi nào cho sinh viên cao đẳng sư phạm?

Thời gian, tiền bạc, công sức và rõ ràng nhất là tương lai nghề nghiệp của những sinh viên cao đẳng sư phạm này đang phải đối diện với tình trạng bị lãng phí và bỏ ngỏ? Sinh viên và nhà trường đều mong muốn có một lộ trình tuyển dụng, để có cơ hội tham gia thi tuyển. Thế nhưng, để mở cánh cửa tuyển dụng với cả nghìn sinh viên cao đẳng sư phạm - liệu có dễ với chính các cơ quan chức năng?

Theo đại diện của Sở Nội vụ Bắc Giang, nguồn nhân lực sinh viên ngành sư phạm đáp ứng theo đúng yêu cầu tuyển dụng của Luật Giáo dục năm 2019 là rất lớn, thậm chí là gấp nhiều lần so với chỉ tiêu. Nên việc thay đổi tiêu chuẩn để sinh viên cao đẳng sư phạm được tham gia tuyển dụng là khó.

"Thực tế tuyển dụng khối THCS năm nay không lớn, chỉ khoảng 95 chỉ tiêu. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh có khoảng 600 sinh viên đại học và cũng chưa được tuyển dụng. Nguồn được tuyển cho đúng theo Luật rất lớn nên chúng tôi tham mưu cho tỉnh tuyển dụng theo đúng quy định của Luật Giáo dục. Thí sinh đạt chuẩn còn lớn. Nếu tuyển dụng đối tượng dưới chuẩn thì sẽ lại mất thời gian - tiền bạc để nâng chuẩn sau này.

Đối tượng hiện nay đang có trình độ cao đẳng, chúng tôi sẽ chỉ đạo, phối hợp với Sở Giáo dục chỉ đạo trường cao đẳng có kế hoạch thực hiện đào tạo liên thông lên trình độ đại học, để đảm bảo đạt chuẩn cho các em đủ điều kiện đăng ký vào những năm tiếp theo" - ông Nguyễn Quang Đông, Phó Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Bắc Giang cho biết.

Nâng chuẩn giáo viên: Canh cánh nỗi lo mất nghề - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quang Đông, Phó Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Bắc Giang

Cũng theo ông Đông, tổng số tuyển dụng giáo viên của tỉnh Bắc Giang năm nay là 1471 chỉ tiêu. Tuy nhiên, dự kiến, số hồ sơ đạt chuẩn đăng ký tuyển dụng là khoảng 3.500 - 4.000 hồ sơ.

Chủ động đi học nâng chuẩn bằng cấp

Khi những sinh viên cao đẳng sư phạm đang đứng trước sự lựa chọn, một là tiếp tục học liên thông để đạt chuẩn và tham dự các kỳ thi tuyển giáo viên. Hai là sẽ phải tìm ngã rẽ mới cho tương lai của mình. Thì hàng trăm nghìn giáo viên đang đứng lớp trên cả nước cũng đang phải đối mặt với bài toán học nâng chuẩn.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến cuối năm 2019, tổng số giáo viên trên cả nước cần thực hiện nâng chuẩn là khoảng trên 250.000 người. Trong đó, giáo viên tiểu học chiếm khoảng 46%, tương đương gần 117.000 người, giáo viên cấp Trung học cơ sở là hơn 51.000 người, giáo viên mầm non khoảng hơn 89.000 người. Tại nhiều địa phương, cũng là do lo xa mà nhiều giáo viên đã tự mình đi học để nâng chuẩn bằng cấp từ cách đây vài năm.

Vì sợ mất việc, từ năm 2018, 9 giáo viên trường tiểu học Trịnh Xá ở Hà Nam đã tự bỏ tiền túi ra để đi học nâng chuẩn bằng cấp. Để có được tấm bằng đại học, thầy cô phải tốn hàng chục triệu đồng với đủ các khoản tiền.

Công bố lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS Công bố lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS

VTV.vn - Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Không phải giáo viên nào cũng thuận lợi chọn được nơi học gần nhà. Tranh thủ trong tuần đứng lớp, cuối tuần cô giáo Hoàng Thị Lệ Thu, giáo viên trường THCS Đinh Xá, Tp Phủ Lý, Hà Nam lại vượt hàng chục cây số tới tỉnh khác để theo học lớp nâng chuẩn.

Ông Đào Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường THCS Đinh Xá, Tp Phủ Lý, Hà Nam cho hay: "Nhà trường đang có 5 đồng chí giáo viên đi học nâng chuẩn và trong thời gian tới có thêm 1 đồng chí nữa".

Sự bất an về chỗ đứng nghề nghiệp đã khiến cho hàng trăm giáo viên các cấp tiểu học, THCS ở Hà Nam và nhiều địa phương khác đua nhau tìm các lớp học liên thông, để tự nâng chuẩn; là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, theo Nghị định số 71 năm 2020 của Chính phủ quy định về lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên, việc nâng chuẩn này sẽ được hiện cho đến năm 2030. Theo đó, 5 năm đầu: từ năm 2020 - 2025, sẽ có ít nhất 60% giáo viên mầm non và THCS; 50% với giáo viên tiểu học; đạt chuẩn mới. Tỷ lệ 100% giáo viên đạt chuẩn mới sẽ được đảm bảo vào năm 2030. Và điều đáng chú ý là: Giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ được miễn học phí, được tính thời gian công tác liên tục, hưởng 100% lương và các chế độ. Điều này sẽ giải tỏa nỗi lo phần nào cho các giáo viên... Bên cạnh những con số về tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, bài toán về năng lực chuyên môn cũng là vấn đề được đặt ra, khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước