Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, thay đổi nhận thức về giới

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 06/05/2021 17:21 GMT+7

Qua 3 năm thực hiện, dự án GENTLE đã đạt được nhiều kết quả khả quan, giúp thay đổi nhận thức về giới và nâng cao chất lượng môi trường dạy và học ở các địa phương thực hiện.

VTV.vn - Dự án Giáo dục mầm non quan tâm đến giới (GENTLE) có mục tiêu góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến giới bằng hình thức học thông qua chơi trong trường học.

Sự cần thiết của việc lồng ghép giới vào giáo dục mầm non

Ngày 6/5, Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật Vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ (gọi tắt là VVOB) phối hợp tổ chức Hội nghị chuyên đề Học thông qua chơi có đáp ứng giới trong các cơ sở giáo dục mầm non nhằm chia sẻ kinh nghiệm và kết quả đạt được từ hai dự án "Giáo dục mầm non quan tâm đến giới (GENTLE)", và "Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống (BAMI)".

Hội nghị được tổ chức trực tuyến và có sự tham gia của Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED), tổ chức VVOB, đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam, đại diện Viện khoa học giáo dục Việt Nam, cùng cán bộ Sở, Phòng Giáo dục & Đào tạo, lãnh đạo và giáo viên các trường Mầm non đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và các tổ chức quốc tế, trong nước hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non và giới.

Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, thay đổi nhận thức về giới - Ảnh 1.

Đại diện VVOB và CGFED phát biểu tại hội nghị trực tuyến

Qua đó, hội nghị ghi nhận những kết quả tích cực từ quá trình giảm thiểu khuôn mẫu về giới trong giáo dục mầm non (GDMN), góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng dạy và học, mang đến một môi trường cởi mở, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của trẻ em Việt Nam.

Khuôn mẫu giới là những mẫu hình, giá trị, niềm tin định sẵn, quy định những đặc điểm điển hình của nam và nữ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, giáo dục trẻ dựa trên khuôn mẫu giới là khởi nguồn của những định kiến giới, đóng khung tính cách, cách hành xử và các lựa chọn của trẻ trai và trẻ gái, hạn chế sự tự do thể hiện bản thân, cũng như cơ hội phát triển năng lực của trẻ sau này. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vấn đề bất bình đẳng giới trong xã hội, điển hình là bạo lực trên cơ sở giới, phân biệt đối xử trong gia đình, hay khoảng cách giới trong lao động.

Chính vì thế, mục tiêu số 4 và số 5 trong Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc tại Việt Nam hướng đến tiếp cận bình đẳng giới trong giáo dục cho cả trẻ trai và trẻ gái, chấm dứt mọi phân biệt đối xử trên cơ sở giới. Theo đó, việc tạo ra một môi trường có đáp ứng giới trong giáo dục trẻ từ những năm đầu đời - vào thời điểm não bộ và nhận thức xã hội của trẻ phát triển nhanh chóng - là nền tảng thiết yếu cho cách tiếp cận bền vững nhằm giảm thiểu định kiến giới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thức đẩy sự phát triển nguồn nhân lực cho xã hội.

Nỗ lực để trẻ em Việt được trải nghiệm giáo dục mầm non quan tâm đến giới

Được sự tài trợ của Liên minh châu Âu và Chính phủ Bỉ, cùng với mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Bộ Giáo dục & Đào tạo, Sở Giáo dục & Đào tạo các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, VVOB và Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) đã phối hợp thực hiện dự án Giáo dục mầm non quan tâm đến giới (tên gọi tắt là GENTLE), với mục tiêu góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến giới bằng hình thức học thông qua chơi trong trường học.

Dự án hướng tới cung cấp giáo dục toàn diện cho trẻ trai và trẻ gái, tôn trọng sở thích của trẻ bất kể giới tính, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới bằng cách gỡ bỏ các khuôn mẫu về giới, đồng thời khuyến khích sự tham gia của cha mẹ, đặc biệt là người cha trong quá trình giáo dục con ở tuổi mầm non. Qua 3 năm thực hiện, dự án đã đạt được nhiều kết quả khả quan, giúp thay đổi nhận thức về giới và nâng cao chất lượng môi trường dạy và học ở các địa phương thực hiện.

Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, thay đổi nhận thức về giới - Ảnh 2.

Cụ thể, dự án đã xây dựng thành công Bộ công cụ Giáo dục mầm non có đáp ứng giới cho giáo viên và cán bộ quản lý của các trường mầm non, xây dựng 15 trường điểm thực hiện Mô hình GDMN quan tâm đến giới với một lộ trình cụ thể thông qua các khóa tập huấn, khai vấn, tham quan học tập, hội thảo chia sẻ, hội thảo phát triển chuyên môn cho giáo viên…

Ông Wouter Boesman, Giám đốc Chương trình Quốc gia, VVOB, cho biết: "VVOB luôn mong muốn đóng góp vào phát triển bình đẳng giáo dục tại Việt Nam. Các vấn đề liên quan đến giới trong giáo dục mầm non là một chủ đề khó, vì đa số mọi người đều nghĩ rằng trẻ mầm non thì còn quá nhỏ để có thể hiểu được. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các khái niệm về giới được hình thành từ rất sớm, và trẻ nhỏ hình thành các khái niệm về giới bằng cách nhìn vào các khuôn mẫu giới mà người lớn thể hiện trong cuộc sống hằng ngày. Ví dụ cụ thể như nếu giáo viên hoặc phụ huynh thể hiện các khuôn mẫu giới và trẻ nhỏ lặp lại những khuôn mẫu này thì điều này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ, và đó cũng là điều mà VVOB mong muốn xóa bỏ trong giáo dục mầm non".

Bà Hà Thị Thu Hương, Quản Lý chương trình Giáo dục mầm non tại VVOB nói về dự án GENTLE: "Chúng tôi tiếp cận các vấn đề về giới với phương pháp học thông qua chơi, cách tiếp cận này giúp giáo viên dễ dàng truyền tải các khái niệm về giới tới trẻ mầm non, cũng như thay đổi cách trang trí và bài trí lớp vốn có các khuôn mẫu giới. Việc loại bỏ các khuôn mẫu giới này cũng đồng nghĩa loại bỏ các yếu tố cản trở trẻ nhỏ phát triển hết tiềm năng của mình".

Đặc biệt hơn, dự án đã triển khai thành công mô hình phối hợp giữa cha mẹ và nhà trường về GDMN quan tâm đến giới, thông qua các buổi hội thảo, hoạt động tại lớp, họp phụ huynh, các bảng tin truyền thông trong và ngoài lớp, vận động trực tiếp của thầy cô giáo, góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của phụ huynh, khuyến khích nhiều cha mẹ tham gia trực tiếp vào việc giáo dục quan tâm đến giới.

Sau một thời gian tuyên truyền đã có sự thay đổi đáng kể về kiến thức và thái độ của phụ huynh trong thực hành giáo dục có đáp ứng giới và sự quan trọng của bình đẳng giới. Cụ thể, phụ huynh nam quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc con cái, tôn trọng sở thích của cả bé trai và bé gái và biết san sẻ công việc nhà cùng các thành viên trong gia đình. Ở chiều ngược lại, trẻ em cảm thấy hạnh phúc hơn khi nhận được sự quan tâm, chăm sóc của cả ba và mẹ trong học tập và vui chơi. Các bé cũng mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp với các bạn cùng lớp, thể hiện sở thích của bản thân và hào hứng tham gia vào tất cả hoạt động do thầy cô gợi ý.

Với những kết quả tích cực ban đầu, dự án đã được các Sở và Phòng Giáo dục & Đào tạo tại các địa phương tạo môi trường thuận lợi để lan tỏa đến 153 trường mầm non thuộc 15 huyện tại hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, qua đó 1.831 cán bộ và giáo viên đã được nâng cao năng lực thông qua các hoạt động đào tạo của GENTLE, hơn 32.229 trẻ em được học tập trong môi trường học thông qua chơi có đáp ứng giới. Phương pháp học thông qua chơi có đáp ứng giới cũng được nhân rộng ra tỉnh Kon Tum với sự tài trợ của Vương Quốc Bỉ.

Thông qua hội thảo chuyên đề này, VVOB và CGFED mong muốn được chia sẻ những kết quả đạt được và những kinh nghiệm từ Dự án để các tỉnh, thành khác, cũng như các Bộ, ban ngành liên quan và các tổ chức quốc tế có thêm thông tin và cơ sở để áp dụng, thúc đẩy và hỗ trợ cho Giáo dục mầm non quan tâm đến giới, qua đó có thể giúp cho mọi trẻ em đều có thể phát triển được hết tiềm năng của mình mà không gặp phải các rào cản về giới, cũng như góp phần nâng cao chất lượng của giáo dục mầm non Việt Nam nói chung.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước