Bao thế hệ học sinh và thầy, cô cũng như người dân trên mảnh đất hiếu học này sẽ còn nhắc đến cái tên Văn Viết Đức với một niềm tự hào. Bởi em đã chứng tỏ với bạn bè cả nước rằng, vùng đất tuy còn nghèo khó này không thiếu đi những nhân tài, các thế hệ trẻ nơi đây rất ham học hỏi, với mong muốn chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức của nhân loại.
Thành công nhờ khổ luyện
Đức sinh ra trong một gia đình có 3 anh em, hoàn cảnh kinh tế khá bình thường, nhưng em nhận được sự giáo dục nghiêm khắc từ cha mẹ. Ba Đức là ông Văn Viết Lợi, công tác tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông, còn mẹ em - bà Trần Thị Mỹ là giáo viên tiểu học. Gia đình em sống gần chợ Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng. Đối với người dân xóm chợ nghèo, Đức là cậu học sinh rất lễ phép, gần gũi với mọi người. Với những tính cách ấy cùng với sự giáo dục khá nề nếp của cha mẹ, Đức là niềm tự hào của người dân trong xóm.
Từ nhỏ em đã bộc lộ sự thông minh, ham học hỏi của mình ở mọi lĩnh vực. Đặc biệt là tính chăm chỉ, kiên trì trước mọi thử thách. Những khi gặp trở ngại, em luôn cố gắng suy nghĩ để tìm ra câu trả lời hợp lý nhất, luôn tự đặt ra cho mình những câu hỏi và mày mò trả lời. Có thể, đây cũng là những lý do đưa em đến với thành công ngày hôm nay.
Ngay từ những năm học cấp 2, Đức đã mang về một Huy chương Bạc Quốc gia về giải Toán trên máy tính và Huy chương Vàng Quốc gia về thi giải Toán trên mạng. Lên cấp ba, Đức càng cho thấy mình có duyên với các giải thưởng khi tiếp tục mang về giải Nhất thi tỉnh môn Toán năm em học lớp 11 và giải Nhất năm lớp 12.
Con đường học tập của em cũng trở nên khá suôn sẻ khi 12 năm liền Đức đều đạt danh hiệu học sinh Giỏi. Đặc biệt, em đã đặt ra cho mình mục tiêu để phấn đấu là tham gia và chinh phục được đỉnh Olympia ngay từ khi còn học lớp 5 và luôn theo đuổi giấc mơ ấy đến tận cùng. Để hoàn thành được ước mơ, em đã tự chuẩn bị cho mình hành trang là tích cực học hỏi, tích lũy kiến thức về mọi lĩnh vực. Nhiều lần trò chuyện với em, Đức luôn tâm sự rằng muốn thành công thì không có con đường nào khác ngoài sự khổ luyện. Đức cho biết: “Khi đi học, em không tập trung chú trọng vào một môn nhất định mà cố gắng học đều cả môn tự nhiên và xã hội, xem các môn quan trọng ngang nhau. Đối với em, môn Toán là thế mạnh nhưng môn Sử và Địa cũng luôn là niềm cảm hứng bất tận, bởi em nghĩ rằng muốn giỏi kiến thức thì trước hết phải am hiểu lịch sử của đất nước mình”.
Suốt thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, Đức đã đầu tư thời gian, công sức, trau dồi kiến thức, kỹ năng một cách khá kỹ lưỡng để hoàn thành tâm nguyện bước lên “đỉnh cao trí tuệ”. Với em, việc được tham gia vào sân chơi “Đường lên đỉnh Olympia” là một niềm vinh dự rất lớn và em sẽ kiên trì phấn đấu với mục tiêu ấy.
Rạng danh ngôi trường 40 năm truyền thống
Trong vòng thi Chung kết Olympia năm thứ 15 vừa qua, Đức đã xuất sắc vượt qua 3 thí sinh khác để giành được vòng nguyện quế với 240 điểm, thí sinh đạt giải Nhì là Huỳnh Anh Nhật Trường (THPT chuyên Trần Hưng Đạo, tỉnh Bình Thuận) với 200 điểm. Hai thí sinh cùng đạt giải Ba là Nguyễn Huy Hoàng (THPT Năng khiếu TP Hồ Chí Minh) và Nguyễn Cao Ngọc Vũ (THPT Kim Sơn A, Ninh Bình), cùng đạt 150 điểm.
Với sự thành công ngoài mong đợi ấy, Đức đã mang vinh quang về cho ngôi trường nơi em học - Trường THPT thị xã Quảng Trị. Từ ngày thành lập đến nay, ngôi trường THPT thị xã Quảng Trị đã trở thành niềm tự hào của bao thế hệ thầy trò và nhân dân trên địa bàn. Đây cũng là ngôi trường đã có 40 năm truyền thống, nằm bên cạnh dòng sông Thạch Hãn cùng với di tích Thành cổ Quảng Trị ghi dấu một thời kỳ đau thương nhưng oanh liệt. Thành cổ Quảng Trị còn được mọi người dân trong nước và thế giới biết đến với chiến dịch 81 ngày đêm “Mùa Hè rực lửa” hết sức khốc liệt.
Dường như, từ trong khó khăn, vất vả đó, bao thế hệ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này đều tự hào về những gì mà các thế hệ cha anh đã dày công xây đắp, thậm chí phải đánh đổi bằng máu, xương. Sự gian khổ đã tôi luyện thêm cho thế hệ trẻ nơi đây ý chí nhẫn nại, chịu thương, chịu khó, ham học hỏi với quyết tâm làm rạng danh quê hương, thay đổi cuộc sống nghèo khó.
Còn nhớ, lúc Đức được vinh danh, các thế hệ thầy và trò cũng như biết bao người dân trên mảnh đất này đều vui sướng tột bậc. Không những thế, suốt quá trình em Đức thi tài, mọi người đều dõi theo bước đi của em, cùng vui khi em hoàn thành phần thi và cùng tỏ ra tiếc nuối khi em Đức lỡ nhịp. Ngay cả những vị lãnh đạo tỉnh, ngành giáo dục địa phương cũng ngồi giữa trưa nắng để động viên em qua truyền hình. Sự khích lệ ấy cũng chính là động lực để Đức tự tin hơn và vượt qua các đối thủ một cách đầy ngoạn mục.