Mô hình trường học bán trú giúp học sinh vùng cao yên tâm đến lớp

Theo TTXVN-Thứ bảy, ngày 05/05/2018 06:00 GMT+7

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pá Lông (Thuận Châu, Sơn La).

VTV.vn -Từ khi mô hình trường học bán trú được triển khai, học sinh tại Sơn La được hỗ trợ ăn, ở tại trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.

Đúng 11h30 hàng ngày, sau khi kết thúc giờ học trên lớp, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pá Lông, huyện Thuận Châu tập trung tại khu nhà bếp để nhận suất cơm trưa. Những suất cơm được các cán bộ, giáo viên nhà trường chuẩn bị sẵn trong cặp lồng với đầy đủ thức ăn. Theo chế độ, mỗi học sinh được hưởng 520.000 đồng và 15 kg gạo/tháng; trên cơ sở đó, nhà trường đã tổ chức 3 bữa/ngày với chế độ dinh dưỡng đảm bảo. Để có nguồn thực phẩm phong phú, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhà trường đã ký hợp đồng với đơn vị cung ứng thực phẩm uy tín, đồng thời tổ chức tăng gia, trồng rau xanh để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn cho học sinh.

Em Vừ Thị Dợ, học sinh lớp 5 Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pá Lông chia sẻ, từ khi được ăn bán trú, chế độ dinh dưỡng đảm bảo nên chúng em rất yên tâm học tập.

Trước đây, khi chưa có mô hình trường bán trú, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pá Lông phải học ở 5 điểm trường lẻ nằm ở các bản xa trung tâm, cơ sở vật chất đều chưa đảm bảo, học sinh phải học trong các ngôi nhà tạm làm bằng vật liệu thô sơ. Việc đi lại của giáo viên cũng rất khó khăn vì đường giao thông không thuận lợi. Từ năm 2012 đến nay, khi mô hình trường học bán trú được triển khai, nhà trường đã đưa học sinh ở điểm trường lẻ về điểm trung tâm, các em có nơi học đảm bảo.

Ông Vũ Văn Quyển - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pá Lông cho biết, từ khi triển khai mô hình trường học bán trú, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng không còn, chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên. 100% các em được ở trong phòng học mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Các em được ăn, ở với điều kiện cơ sở vật chất được đảm bảo nên phụ huynh yên tâm gửi gắm con em tại trường.

Việc triển khai trường học bán trú đã tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc ở vùng cao yên tâm học tập. Tuy nhiên, điều này cũng khiến các thầy cô vất vả hơn so với trước vì trở thành người cha, người mẹ thứ hai của học sinh trong suốt thời gian các em ở trường.

Chị Trần Giang Lam - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pá Lông bày tỏ, mỗi giáo viên ở đây đều coi các em như con cháu trong nhà nên mọi người rất vui. Vượt qua khó khăn, các thầy cô luôn cố gắng sắp xếp công việc khoa học, dành tình cảm, sức khỏe, thời gian để tận tâm, tận lực nuôi dạy các cháu và đưa chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao.

Bên cạnh các trường học có đầy đủ cơ sở vật chất để tổ chức ăn ở bán trú cho học sinh, nhiều nơi vẫn còn khó khăn khi chưa đủ phòng ở, phòng ăn. Mặc dù vậy, các trường vẫn cố gắng huy động mọi nguồn lực để tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh. Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Pá Lông Đinh Văn Tuy cho biết, từ trước đến nay, do chưa có nhà bán trú nên học sinh tại trường vẫn phải ở trong các nhà tạm do giáo viên và phụ huynh dựng lên. Trước thực tế đó, để đảm bảo điều kiện tốt hơn cho học sinh, trong năm 2018, nhà trường được đầu tư xây dựng 1 căn nhà 2 tầng, với 8 phòng. Với số lượng phòng như vậy, năm học 2018 - 2019, các em sẽ được ở trong nhà xây kiên cố, đảm bảo việc học tập.

Tại huyện Thuận Châu hiện có trên 32 trường tổ chức theo mô hình bán trú với gần 5.000 học sinh. Thực tế cho thấy, việc tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, từ đó tạo điều kiện cho việc huy động trẻ em đến trường, nhiều năm đạt 100%. Việc tổ chức nấu ăn bán trú góp phần tổ chức các hoạt động được toàn diện hơn, tạo điều kiện để cơ sở giáo dục tăng cường chất lượng tại điểm trường trung tâm.

Ông Nguyễn Hữu Hải - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Châu cho biết, những năm học tiếp theo, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Châu tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các trường thực hiện tốt nền nếp đối với học sinh bán trú, phát huy ưu điểm, kết quả đã đạt được. Ngành cũng tăng cường nguồn lực đầu tư cho các trường có học sinh bán trú; đầu tư cơ sở vật chất đối với phòng ăn, phòng ở, phòng vệ sinh; tăng cường nguồn lực xã hội hóa; phát huy phong trào lao động sản xuất để cải thiện bữa ăn cho học sinh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước