Do đặc điểm dân cư phân bố rải rác, nhiều trường học tại tỉnh Sơn La đã triển khai mô hình bán trú, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo sĩ số tại các trường học vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.
Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Tô Múa, huyện Vân Hồ đóng tại địa bàn vùng cao, khó khăn, học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nhà trường hiện có 120 em được hưởng chế độ bán trú. Để đảm bảo điều kiện cho học sinh ăn, ở bán trú, nhà trường đã xây dựng phòng ăn và phòng ngủ thoáng mát vào mùa Hè, ấm áp vào mùa Đông. Em Lường Thùy Linh chia sẻ, nhà em cách trường hơn 8km, từ khi học lớp 6 em đã ở bán trú, giúp em thuận tiện hơn trong học tập.
Giờ ăn trưa của học sinh bán trú Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tô Múa, huyện Vân Hồ. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Thầy Ngô Tiến Thự, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Tô Múa cho biết, Nhà trường rất quan tâm tới việc triển khai bán trú cho học sinh, đặc biệt là vấn đề đảm bảo khẩu phần ăn, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Để đảm bảo chất lượng bữa ăn, nhà trường đã lên thực đơn theo quy định, ký cam kết với cơ sở cung cấp thực phẩm. Trước đây, khi chưa có mô hình trường bán trú, học sinh tại huyện Vân Hồ thường phải học ở các điểm trường lẻ nằm ở các bản xa trung tâm, cơ sở vật chất không đảm bảo.
Ông Phạm Thanh Hải, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ cho hay, việc thực hiện mô hình bán trú đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học hàng năm. Để nâng cao chất lượng, ngành Giáo dục đã huy động nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ các trường xây dựng cơ sở vật chất. Nhờ đó, nhiều công trình như bếp ăn, giếng khoan, công trình cấp nước, phòng ở... đã được xây dựng, tu sửa. Ngành Giáo dục huyện xác định trong những năm tới tiếp tục triển khai kêu gọi hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau để huy động toàn xã hội chăm lo cho học sinh còn khó khăn.
Trường Trung học Cơ sở Chiềng Ngàm (huyện Thuận Châu) hiện có gần 160 học sinh được hưởng chế độ bán trú. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã thành lập Hội đồng thẩm định giá để lựa chọn các nhà cung ứng thực phẩm đảm bảo. Sau đó, thực hiện công tác kiểm duyệt ba bước để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thầy Đỗ Long, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Chiềng Ngàm thông tin, theo chế độ quy định, hàng tháng các em được hưởng 15 kg gạo và gần 600.000 đồng. Mức hỗ trợ này đã tương đối đảm bảo cho chi phí sinh hoạt hằng ngày của các em. Nhà trường thay thực đơn luân phiên trong tuần để nâng cao chất lượng bữa ăn. Bên cạnh đó, nhà trường cử các thầy cô giáo ngoài giờ dạy lên lớp, quản lý học sinh, hướng dẫn các em học bài và sinh hoạt hàng ngày.
Nhân viên nhà bếp tại Trường Trung học cơ sở Chiềng Ngàm, huyện Thuận Châu sơ chế thực phẩm để chuẩn bị bữa ăn cho học sinh. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Huyện Thuận Châu hiện có 24 trường tổ chức bán trú với trên 5.300 học sinh. Việc tổ chức bán trú cho học sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn đã tạo điều kiện huy động trẻ em đến trường, nhiều năm đạt 100%; đồng thời góp phần tổ chức các hoạt động được toàn diện hơn, tăng cường chất lượng dạy và học tại điểm trường trung tâm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!