Một số ngành được coi là thời thượng là kinh tế và quản trị kinh doanh, còn các ngành khoa học kỹ thuật gần như không thu hút được thí sinh. Điều này có thể sẽ dẫn đến hệ lụy lâu dài cho đất nước.
Khối ngành kinh doanh và quản lý vẫn là khối ngành có số nguyện vọng đăng ký xét tuyển đông nhất, chiếm gần 1/3 trong tổng số nguyện vọng của thí sinh, trong khi các ngành này đã được cảnh báo là đang bão hòa.
Khối ngành Toán và thống kê, công nghệ thông tin, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, nông lâm chiếm tỷ lệ 25%. Tuy nhiên, các trường kỹ thuật và nông lâm cho biết, vài năm nay, nguồn tuyển vào những ngành này rất hạn chế.
Khối ngành khoa học tự nhiên, khoa học sự sống chỉ thu hút lượng 1,1% số nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Tỷ lệ này giảm nhanh chóng trong những năm gần đây, cho thấy các ngành khoa học cơ bản đang đứng trước thách thức rất lớn về nguồn lực.
Số thí sinh đăng ký vào học Sư phạm nhiều năm nay cũng giảm hẳn. Năm 2018, khối ngành này chỉ tuyển sinh được 44% số thí sinh so với chỉ tiêu. Trong khi đó hiện nay, nhu cầu đào tạo giáo viên một số môn cho chương trình phổ thông mới lại đang rất cấp thiết.
Việc mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề xét tuyển cho thấy hiện các thí sinh lựa chọn nguyện vọng xét tuyển vẫn chủ yếu dựa vào cảm tính và tâm lý đám đông. Sự cạnh tranh diễn ra chủ yếu ở một số ngành được cho là hot và thời thượng, chứ chưa xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Điều này được cho là gây thiếu hụt nhân lực trầm trọng cho nhiều ngành nghề trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!