Lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6: Phải đảm bảo công bằng, tránh xáo trộn

Chuyển động 24h-Thứ năm, ngày 25/03/2021 14:22 GMT+7

VTV.vn - Từ năm 2021, quyền chọn lựa sách giáo khoa sẽ chuyển giao cho lãnh đạo các địa phương. Việc chọn sách sẽ được thực hiện ra sao? có gây xáo trộn và lãng phí hay không?

Với sách giáo khoa lớp 1 mới, việc lựa chọn do giáo viênnhà trường thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội. Tuy nhiên, từ năm 2021, quyền chọn lựa sách giáo khoa sẽ chuyển giao cho lãnh đạo các địa phương, theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Lớp 1 học sách này, lớp 2 học sách khác đó là tình huống có thể xảy ra ở bất cứ trường học nào khi triển khai chọn sách theo Luật Giáo dục hiện hành. Thêm nữa, thay vì có 4 bộ sách giáo khoa mới như năm ngoái, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ biên soạn hai bộ cho lớp 2 và lớp 6. Như vậy, tình huống phải đổi sách đương nhiên sẽ xảy ra tại các trường đã chọn 2 bộ sách không còn tồn tại: "Cùng học để phát triển năng lực" và "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục". Băn khoăn lo lắng đầu tiên chính là các phụ huynh.

Một trong ba bộ sách giáo khoa lớp 1 đang được sử dụng tại tỉnh Bắc Kan thuộc về bộ sách đang phải hợp nhất. Điều này có nghĩa là rất có thể năm học tới đây, tỉnh này cũng phải chọn lại cả sách giáo khoa lớp 1 nếu muốn đảm bảo tính thống nhất giữa các khối lớp. Một năm từ làm quen đến làm chủ sách giáo khoa là điều mà hầu hết giáo viên không mong muốn.

Lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6: Phải đảm bảo công bằng, tránh xáo trộn - Ảnh 1.

Nhà xuất bản có những lý do riêng để lý giải cho việc hợp nhất vì thế các chuyên gia cũng cho rằng sự lo lắng của phụ huynh hay tâm lý thận trọng của các giáo viên là điều dễ hiểu. Sự ổn định này càng cần thiết hơn ở những vùng kinh tế còn nhiều khó khăn. Nơi mà sách cũ cũng vẫn luôn là món quà mới đối với học trò nghèo mỗi mùa khai giảng. Nhất là giờ đây sách giáo khoa mới rất hay và đẹp.

Trước lo ngại về việc năm nay trường chọn sách giáo khoa này, sang năm tỉnh chọn sách giáo khoa khác, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học đã trao đổi với báo chí: Bộ đã có quy định cấu trúc bài học trong sách giáo khoa mới, bao gồm 4 thành phần cơ bản: Mở đầu, kiến thức mới, luyện tập và vận dụng. Các sách giáo khoa đều phải đáp ứng yêu cầu này. Do đó, khi học sách này, sau đó có chuyển sang sách khác, giáo viên và học sinh không gặp khó khăn.

Ngoài ra, trong thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT có những quy định mang tính chuyển tiếp và kế thừa để việc chọn sách giáo khoa dù của UBND cấp tỉnh cũng sẽ không phủ nhận việc chọn SGK của cấp trường trước đó, bảo đảm sách giáo khoa được dùng ổn định, không bị xáo trộn. Đây cũng là nguyện vọng chung của các nhà trường.

Như vậy, việc đổi sách lớp 2 ở các trường chọn 2 bộ sách đã hợp nhất là tình huống bất khả kháng. Còn với các trường còn lại, việc giữ ổn định hay thay đổi phụ thuộc vào quyết định của người đứng đầu mỗi tỉnh thành.

Lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6: Phải đảm bảo công bằng, tránh xáo trộn - Ảnh 2.

Theo Thông tư 25 về lựa chọn sách giáo khoa trong trường phổ thông, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có quyền quyết định việc chọn sách cho học sinh trên địa bàn dựa trên đề xuất của hội đồng chọn sách của tỉnh. Làm thế nào để ý chí của lãnh đạo tỉnh không đi ngược lại với mong mỏi của giáo viên và nhân dân địa phương? Mỗi địa phương đang từng bước giải bài toán này bằng việc thực hiện nghiêm túc quy trình chọn sách năm nay.

Tâm thế trách nhiệm chủ động của giáo viên đang được đánh giá là yếu tố thuận lợi đối với việc triển khai chương trình mới. Chính vì thế, dù năm nay quyền chọn sách thuộc về UBND các tỉnh, thành phố thế nhưng các địa phương vẫn tiếp tục nêu cao vai trò của các nhà trường.

Lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6: Phải đảm bảo công bằng, tránh xáo trộn - Ảnh 3.

Một lợi thế nữa là việc triển khai chương trình sách giáo khoa lớp 2, 6 năm nay trong bối cảnh có những thực tiễn kinh nghiệm chọn và dạy sách giáo khoa lớp 1. Ngành giáo dục vì thế đã chủ động về việc sẽ có sự thay đổi về thẩm quyền chọn sách. Trách nhiệm vai trò của các giáo viên, nhà trường cũng được quy định rõ.

Dù chỉ là tài liệu chứ không phải là pháp lênh trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Thế nhưng thực tế, sách giáo khoa vẫn luôn là tâm điểm của lần đổi mới giáo dục này trong suốt một năm qua. Chọn sách giáo khoa vì thế càng phải được coi là một trọng trách của mỗi địa phương. Từ phía giáo viên, nhà trường, họ luôn hy vọng ý kiến đóng góp tâm huyết, khách quan của mình sẽ là một trọng số trong quyết định cuối cùng của lãnh đạo tỉnh thành phố, chứ không phải là lấy ý kiến để đặt lên bàn cân với các yếu tố khác như lợi ích nhóm hay mối quan hệ với các đơn vị xuất bản.

Giáo viên THCS gấp rút chọn sách giáo khoa lớp 6 mới Giáo viên THCS gấp rút chọn sách giáo khoa lớp 6 mới

VTV.vn - Các trường THCS đang tích cực tham gia nghiên cứu, cho ý kiến… để kịp chọn sách giáo khoa phù hợp trong 2 tuần tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước