Sau niềm vui con mình may mắn đỗ vào được lớp 10 theo nguyện vọng đã chọn, cả phụ huynh và học sinh lại đang phải đắn đo lựa chọn các môn tổ hợp, các trường cũng có khó khăn trong việc triển khai chương trình THPT mới.
Năm đầu tiên triển khai dạy và học theo tổ hợp môn ở lớp 10
Các em học sinh lớp 10 năm nay sẽ là lứa học sinh đầu tiên học theo chương trình lớp 10 giáo dục phổ thông mới. Vào lớp 10, các em sẽ học ít môn hơn, được lựa chọn môn học theo tổ hợp môn năng khiếu, sở thích của mình. Việc lựa chọn này có mục đích định hướng nghề nghiệp sẽ theo đuổi sau này.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh từ lớp 10 sẽ có 8 môn học và hoạt động bắt buộc, bao gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục quốc phòng an ninh, Giáo dục địa phương, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và Lịch sử. Các môn và hoạt động này học chương trình 52 tiết.
Còn các em sẽ phải đăng ký học tổ hợp lựa chọn với 4 môn lựa, mỗi môn học sinh chọn từ 1 nhóm, bao gồm: nhóm Khoa học tự nhiên với các môn Vật Lý, Hóa học, Sinh học. Nhóm Khoa học xã hội bao gồm Địa lý, Giáo dục kinh tế & pháp luật. Cuối cùng là Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật bao gồm Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Điểm mới này khiến không ít học sinh và phụ huynh hoang mang, bởi về mặt lý thuyết, nếu xoay vòng các môn sẽ có hơn 100 tổ hợp cho các em lựa chọn.
Với thay đổi ở môn Lịch sử, các trường sẽ phải điều chỉnh theo nhưng cũng không xáo trộn lớn. Những tổ hợp đã xây dựng có môn Lịch sử vẫn có thể giữ nguyên. Học sinh chọn tổ hợp này sẽ học chương trình Lịch sử 52 tiết bắt buộc thay vì học chương trình 70 tiết như thiết kế ban đầu. Khi môn Lịch sử được chuyển sang nhóm môn học bắt buộc thì ở nhóm môn lựa chọn của các tổ hợp này sẽ còn lại 4 môn học.
Hỗ trợ học sinh lựa chọn tổ hợp môn học
Do là lần đầu tiên áp dụng, hơn nữa, việc lựa chọn tổ hợp còn ảnh hưởng đến việc thi cử sau này, định hướng nghề nghiệp mà các em theo đuổi nên không ít phụ huynh lẫn học sinh cảm thấy lo lắng, bối rối, không biết lựa chọn như thế nào là hợp lý.
Để giúp các em trả lời câu hỏi muốn học cái gì, học tổ hợp nào phù hợp, nhiều trường ở TP Hồ Chí Minh đang triển khai tư vấn cho học sinh lẫn phụ huynh cùng lúc với thời điểm đăng ký nhập học.
Về lý thuyết học sinh có thể đổi tổ hợp môn nếu thấy không phù hợp, tuy nhiên, rất khó để các em có thể theo kịp kiến thức. Vì thế, tại buổi tư vấn học sinh lẫn phụ huynh đều được khuyên cần cân nhắc thật kỹ.
Tùy vào điều kiện mà mỗi trường tổ chức tổ hợp môn khác nhau. Trường THPT Bùi Thị Xuân có 15 tổ hợp môn được xây dựng trên 4 tiêu chí lớn gồm tổ hợp xét tuyển đại học thường thấy, năng lực bản thân, nhu cầu nhân lực, năng khiếu dựa theo trí thông minh. Việc định hướng, hỗ trợ tư vấn tổ hợp môn cho học sinh cũng dựa theo các tiêu chí này bởi không phải học sinh nào cũng nhận biết năng lực, sở thích của mình ở tuổi 16.
TP Hồ Chí Minh dự kiến kết thúc tư vấn cho học sinh lẫn phụ huynh trong tuần này. Sau khi tư vấn, các em có thời gian nhiều hơn 1 ngày để đưa ra lựa chọn trước khi đăng ký nhập học. Với những học sinh chưa biết mình muốn gì, việc đăng ký tổ hợp môn chỉ mang ý nghĩa tạm thời, không nên quá lo lắng.
Mục đích của tư vấn là hỗ trợ thông tin. Còn quyết định vẫn là từ phía người học. Sẽ khó tránh khỏi những xáo trộn khi triển khai chương trình giáo dục mới, tuy nhiên, chính sự cân nhắc kỹ lưỡng trong quyết định của mỗi học sinh góp phần ổn định cho nhà trường.
Nỗ lực đảm bảo dạy theo tổ hợp
Theo lý thuyết xoay vòng giữa các môn lựa chọn, học sinh lớp 10 sẽ có tới 108 lựa chọn tổ hợp. Nhưng phần lớn các trường chỉ xây dựng chương trình 4 đến 8 tổ hợp. Rất nhiều môn học sẽ chưa thể thực hiện ngay trong năm học này vì thiếu giáo viên hoặc thiếu trang thiết bị giảng dạy và cơ sở vật chất.
Là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, các giáo viên đều đang rất nỗ lực để đảm bảo việc dạy kiến thức cho học sinh lớp 10. Tuy nhiên, vẫn thiếu giáo viên dạy âm nhạc và mỹ thuật, trường chưa thể triển khai 2 môn này cho học sinh lớp 10 ngay trong năm học này và cũng chỉ có 4 tổ hợp được thiết kế cho các em lựa chọn.
Với các trường liên cấp thì có một lợi thế là có thể tận dụng được trang thiết bị và đội ngũ giáo viên cho một số môn học đặc thù như công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc. Sau những khó khăn ban đầu về xây dựng tổ hợp môn, Trường THCS & THPT Lê Qúy Đôn (Hà Nội) hiện đã sẵn sàng cho chương trình lớp 10.
4 tổ hợp được thiết kế sau khi khảo sát năng lực học sinh đầu vào, đội ngũ giáo viên đủ để dạy tổ hợp, kể cả các môn học mới nhưng lại đang vướng một vấn đề khác là chưa có sách giáo khoa nên việc thiết kế nội dung vẫn gặp khó khăn.
Là trường không chuyên duy nhất ở Hà Nội có các lớp chuyên ngoại ngữ như tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, cách hướng dẫn tư vấn chọn tổ hợp môn của Trường THPT Việt Đức có nhiều đặc thù riêng và đòi hỏi nhà trường phải chủ động lên kế hoạch từ rất sớm.
Trước băn khoăn của nhiều học sinh và phụ huynh về việc liệu có thể thay đổi lựa chọn tổ hợp môn trong quá trình học hay không, đa số các trường đều cho biết sẽ việc điều chỉnh là hoàn toàn có thể. Các trường sẽ tiến hành khảo sát sau một thời gian học thực tế và điều chỉnh nếu như học sinh có nguyện vọng chính đáng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!