Thay lời tri ân 2024

Lớp học khuya của những học sinh vùng cao 'đã làm mẹ, lên bà nội'

VTV-Thứ hai, ngày 18/11/2024 05:54 GMT+7

VTV.vn - Trong lớp học đặc biệt này, lớp trưởng đã ngót 45 tuổi, người trẻ nhất cũng đã qua 20, còn học sinh nhiều tuổi nhất đã trở thành bà nội.

Phong Dụ Thượng là xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Một lớp học đặc biệt đang diễn ra tại bản Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Thầy giáo Thọ làm chủ nhiệm lớp trong 8 tháng liên tục. Giờ học được bắt đầu chỉ sau giờ lên lớp chính khóa ở trường vài tiếng đồng hồ, từ 19h30 mỗi ngày và kết thúc lúc 22h30.

Trong lớp học đặc biệt này, lớp trưởng đã ngót 45 tuổi, người trẻ nhất cũng đã qua 20, còn học sinh nhiều tuổi nhất đã trở thành bà nội. Một lớp học đặc biệt từ địa điểm tập trung là nhà văn hóa, đến giờ học lại bắt đầu khi một ngày vừa kết thúc. Đó là nơi mà họ tự đặt tên là lớp học Hy vọng. Những giờ lên lớp, không chỉ làm quen với từng con chữ, mà họ cũng đang tự viết lên giấy những nét bút dẫu nghuệch ngoạc nhưng lại phác lên một tương lai mà họ chưa bao giờ từng mơ tới.

Lù Thị Cha năm nay 29 tuổi. Cha là học viên không đến muộn bất cứ buổi học nào và thành viên nhí đi cùng chị cũng vậy, chưa một buổi tối nào quên theo mẹ tới lớp. Đọc cùng mẹ, viết cùng mẹ và cũng ngủ trong lòng khi mẹ vẫn còn đang say sưa nắn nót từng con chữ.

Lớp học khuya của những học sinh vùng cao đã làm mẹ, lên bà nội - Ảnh 1.

Lù Thị Cha vừa bế con ngủ vừa học bài.

Giờ lên lớp của thầy Thọ lại nối nhau tiếp diễn với những tiết học chính khóa tại trường Tiểu học Phong Dụ Thượng. Tại xã vùng cao Phong Dụ Thượng, địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên với 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, học trò đi học được ví như việc hạ sơn cắp sách đến trường. Các học sinh ở lại bán trú, các thầy cô không chỉ dạy từng nét chữ, nết người mà cũng thay những người cha, người mẹ lo cho các con từng bữa ăn, giấc ngủ.

Sức mạnh của lòng tận tâm, tình yêu mãnh liệt với nghề giáo của những người thầy cắm bản như thầy Thọ cộng hưởng với khát vọng thay đổi tương lai, viết lại ước mơ của mỗi người học viên, bất kể tuổi tác đã mang đến những ánh sáng hy vọng cho lớp học xóa mù giữa bản làng xa xôi. Những đôi bàn tay chai sần, một nửa cuộc đời chỉ quen với cuốc, xẻng, với những nông cụ lao động, giờ đây đồng bào dân tộc trên những bản làng xa xôi nhất của vùng đất này cũng đã có thể cầm chắc cây bút, viết nên những bài học đầu tiên của chính mình.

Cô Nguyễn Thị Dung - Trường PTDT BT Tiểu học Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái chia sẻ: "Khi tham gia giảng dạy ở lớp học xoá mù chữ, tôi có nhiều kỷ niệm, mà điều đáng nhớ nhất đó là có một học viên cao tuổi nhất lớp, 60 tuổi, rất chăm chỉ đến lớn. Tuổi cao, mắt đã kém, học viên luôn mang theo một chiếc đèn pin. Khi vào lớp, học viên này thường treo đèn lên cao để nhìn rõ con chữ".

Khoảng cách đến điểm dạy mất cả đi cả về 1 tiếng, đường đi khó khăn, phải đi qua tràn, nhiều khi mưa to là ngập nước đi lại rất nguy hiểm. Nhưng tôi cũng rất vui vì học viên cũng thường động viên và nhắc nhở tôi đi về cẩn thận, nhất là khi đi qua tràn".

Thầy Nguyễn Quang Thọ - Trường PTDT BT Tiểu học Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái kể câu chuyện cảm động. Sau khi hoàn thành công việc gia đình, tối tối thầy Thọ lại lên bản dạy học. "Ở lớp học, nhiều học sinh đã trên dưới 60 tuổi. Bên ngoài lớp, nhiều cụ ông, cụ bà đứng nhìn qua cửa sổ và cũng xin vào học thêm con chữ", thầy Thọ nói.

Lớp học khuya của những học sinh vùng cao đã làm mẹ, lên bà nội - Ảnh 2.

Cô Nguyễn Thị Dung (trái) và thầy Nguyễn Quang Thọ (phải) chia sẻ tại chương trình Thay lời tri ân 2024 tại trường quay VTV. Ảnh: Duy Dương.

Theo truyền thống từ xa xưa, trong gia đình người Mông, người chồng luôn giữ vai trò quan trọng và quyết định mọi việc nên phụ nữ Mông chịu rất nhiều thiệt thòi. Các bé gái người Mông không được đi học bởi quan niệm hà khắc: Con gái không cần học, lớn lên đi lấy chồng là thành người nhà khác, học cũng chỉ để phục vụ nhà chồng. Rồi những cô gái lớn lên, về nhà chồng theo tục bắt vợ khi đang ở tuổi vị thành niên, bản thân chưa phát triển, thích ứng, hoàn thiện để sẵn sàng làm vợ, làm mẹ.

Nếu những đứa trẻ cùng trang lứa ở vùng xuôi đang tuổi cắp sách đến trường thì trên khắp các bản làng heo hút núi, những bé gái không biết đến tình yêu ấy đã "Một nách ba con", cuộc sống lại quẩn quanh với nương rẫy, với đói, nghèo và không biết chữ.

29 tuổi, chị Cha đã có thể đọc được bài cùng con gái. Hạnh phúc của những người phụ nữ Mông vùng cao Phong Dụ Thượng đến muộn nhưng vẫn đúng lúc. Cha thay đổi và cuộc sống của cô ấy cũng đã dần đổi thay.

Lớp học khuya của những học sinh vùng cao đã làm mẹ, lên bà nội - Ảnh 3.

Lớp học đặc biệt đang diễn ra tại bản Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Tại Khe Táu, chủ yếu là người dân tộc Mông sinh sống, họ làm nương rẫy để mưu sinh. Chính vì vậy, đây là xã có tỷ lệ người không biết chữ, tái mù chữ cao nhất huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái). Không chỉ mở các lớp xóa mù chữ, chính quyền địa phương cùng các thầy, cô giáo còn tích cực vận động, tuyên truyền đến từng gia đình tầm quan trọng của việc học chữ, nỗ lực thay đổi nếp nghĩ, tư duy của đồng bào. Những lớp học xóa mù chữ không chỉ giúp cho bà con biết đọc, biết viết mà còn giúp họ dần xoá đi mặc cảm tự ti, tự tin hơn với khát vọng vươn lên thoát nghèo, là tấm gương hiếu học, thay đổi tương lai cho con cháu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước