Linh hoạt dạy học trong bối cảnh dịch

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 28/02/2022 20:43 GMT+7

Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Các trường THPT ở Hà Nội đang tìm cách thích ứng để duy trì dạy và học linh hoạt, vừa đảm bảo PCD, vừa cung cấp kiến thức cho HS trong thời gian học trực tiếp tại trường.

Cô giáo Mai Kim Bình vừa trở lại Trường THPT Việt Đức, Hà Nội sau thời gian tự cách ly điều trị COVID-19. Nhưng kể cả trong lúc là F0, chị vẫn duy trì việc dạy học.

Tính đến hôm qua (27/2), cả trường THPT này đã có 17 giáo viên là F0 và F1, còn học sinh bị dương tính với COVID-19 hoặc F1 phải cách ly trong 20 ngày qua, cũng lên tới 70%.

Từ đầu năm học này, nhà trường có sáng kiến riêng để thích ứng dạy học linh hoạt trước mọi thay đổi của dịch bệnh. Đó là hệ thống lớp G dành riêng cho học sinh bị F0 F1 và học sinh vùng 3 vùng 4 không thể tới trường. Mỗi cấp học sẽ có 1 lớp G học online với thời khóa biểu bình thường, hết thời gian cách ly sẽ tự động chuyển sang học trực tiếp mà không hề bị gián đoạn về kiến thức. Lúc cao điểm, lớp G này có tới gần 200 học sinh.

Cô giáo Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội - cho biết: "Chúng tôi phải lên kế hoạch của lớp G rất chặt chẽ. Bởi vì song song việc học vẫn tổ chức kiểm tra thường xuyên và giữa kỳ theo quy định của Bộ GD&ĐT. Chúng tôi phải có thống nhất trong chương trình dạy học trong toàn trường ở tất cả các khối các ban là giống nhau để khi các em tham dự lớp G xong chuyển sang học trực tiếp vẫn bắt kịp được kiến thức".

Khi trở thành F0, nhiều giáo viên vẫn duy trì dạy online, chuyện không còn hiếm ở các trường THCS và THPT ở Hà Nội những ngày này. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả giáo viên và ban giám hiệu, bởi hơn 2 năm qua, chính họ cũng gặp không ít khó khăn khi chương trình học liên tục thay đổi giữa trực tiếp và trực tuyến.

Hiện một số trường THPT trên địa bàn Hà Nội đã thông báo, nếu một lớp có hơn 50% học sinh là F0 và F1 thì sẽ chuyển hoàn toàn sang học trực tuyến, đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho giáo viên, học sinh và nhân viên nhà trường.

Linh hoạt dạy học trong bối cảnh dịch - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Có thể thấy là hai từ linh hoạt đã được từng trường từng lớp tại Hà Nôi áp dụng để đảm bảo việc học cho các em. Còn tại TP Hồ Chí Minh, chỉ sau 2 tuần tổ chức dạy học trực tiếp cho trẻ mầm non, tiểu học, thành phố đã ghi nhận hơn 7.500 học sinh và giáo viên mắc COVID-19. Trước tình hình này, các trường học cũng đang tìm cách thích ứng với tình hình dịch bệnh lan rộng.

Trường học thích ứng với dịch bệnh

Sau gần 2 tuần đón học sinh trở lại trường học trực tiếp, Trường Tiểu học Bông Sao (quận 8) đã ghi nhận 21 trường hợp F0 là học sinh ở 18 lớp, 1 F0 là giáo viên.

Tất cả các trường hợp này đều được phát hiện tại nhà. Nhà trường đã nhanh chóng tiến hành xử lý theo đúng quy trình để đảm bảo an toàn cho học sinh và công tác dạy học.

Trước tình hình F0 gia tăng, các trường học trên địa bàn thành phố cũng tăng cường các biện pháp phòng dịch, thường xuyên theo dõi nắm tình hình sức khỏe học sinh. Bên cạnh đó tăng cường các hoạt động thể chất và cải thiện dinh dưỡng trong các bữa ăn bán trú để nâng cao sức để kháng cho trẻ nhỏ.

Vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành quy trình xử lý F0 phát hiện trong trường học với những điều chỉnh theo quy định mới của Bộ Y tế. Qua đó giúp kiểm soát tốt hơn nguy cơ lây nhiễm trong trường học, thực hiện mục vừa chống dịch vừa đảm bảo môi trường an toàn, tạo thuận lợi cho học sinh khi học trực tiếp.

Vậy ở góc độ quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận thế nào về thực trạng ở một số trường, học sinh, giáo viên cứ đến trường rồi lại nghỉ ở nhà rồi lại đến trường, rồi lại nghỉ ở nhà?

Nhất quán việc tổ chức học trực tiếp

Có lúc Trường mầm non Sao Sáng 3, Thành phố Hải Phòng chỉ có 2 học sinh đến lớp, dù quy mô là hơn 500 học sinh. Còn Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến cũng thời điểm chỉ có hơn 40 học sinh học trực tiếp. Có ý kiến cho rằng đó là sự lãng phí nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo lại nhìn nhận theo hướng khác.

"Đó là sự bình tĩnh của các nhà trường. Một số em đến lớp là sự cổ vũ cho những bạn, những phụ huynh khác" - ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.

Báo cáo tại phiên giải trình "Vấn đề dạy học trong bối cảnh COVID-19" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, mặc dù các địa phương có sự điều chỉnh về việc học nhưng đến ngày học cuối cùng của tuần trước, 88,25% học sinh cả nước học trực tiếp. Con số này tăng gần 20% so với thời điểm chưa quyết liệt trong chủ trương này.

Nhất quán mục tiêu đưa học sinh trở lại trường học, tuy nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định, tùy vào diễn biến dịch ở từng lớp học, từng trường học, từng khu vực mà linh hoạt trong việc dạy trực tiếp hay trực tuyến.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước