Lấy ý kiến 3 phương án thi tốt nghiệp THPT 2025

Phạm Hà, Bạch Dương, Quang Trung-Thứ sáu, ngày 13/10/2023 23:26 GMT+7

VTV.vn - Năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ thay đổi. Việc thay đổi này là theo chương trình giáo dục phổ mới đang được triển khai.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo: những môn nào khi học có tính điểm thì đều sẽ nằm trong danh sách các môn thi tốt nghiệp. Như thế là có tất cả 11 môn là: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Tất nhiên là thí sinh không phải thi cả 11 môn mà chỉ thi một số môn nhất định. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến xã hội về dự thảo phương án thi tốt nghiệp năm 2025.

Có 3 phương án thi. Trong mỗi phương án đều có môn bắt buộc và môn tự chọn.

Phương án 4+2 tức là 4 môn thi bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn lựa chọn.

Phương án 3+2 tức là 3 môn thi bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 2 môn lựa chọn.

Phương án 2+2 tức là 2 môn thi bắt buộc: Ngữ văn, Toán và 2 môn lựa chọn.

Hiện nay, thí sinh tốt nghiệp THPT thi 6 môn là: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và một bài thi tổ hợp 3 môn KHTN hoặc KHXH tùy theo lựa chọn của mỗi cá nhân. Phương án cho năm 2025 vẫn chưa được quyết định nhưng rõ ràng, thí sinh và giáo viên đều mong muốn giảm bớt môn thi, giảm bớt áp lực so với hiện nay.

Kết quả khảo sát chọn môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Cho đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành các đợt khảo sát trên phạm vi cả nước. Kết quả cho thấy là những phương án thi ít môn được lựa chọn nhiều hơn.

Khảo sát thứ nhất thực hiện với gần 130.700 cán bộ, giáo viên cho kết quả:

- Gần 74% chọn phương án thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn lựa chọn.

Khảo sát thứ hai thực hiện với hơn 200 lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và các phòng chuyên môn thuộc sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy:

- Gần 69% chọn phương án thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn lựa chọn.

Khảo sát thứ ba tại TP.Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang về 2 phương án thi là 4+2 và 2+2 thì cho kết quả:

- Gần 60% chọn thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ và và 2 môn lựa chọn khác.

Trong 3 phương án thi thì phương án 1 có ưu điểm là thi hết được 4 môn học bắt buộc trong chương trình. Nhược điểm là làm tăng áp lực thi cử, gây tốn kém về nguồn lực con người và tài chính hơn do số buổi thi tăng lên. Thêm nữa là trong phương án 1, với 4 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Ngoại ngữ, số môn xã hội nhiều hơn số môn tự nhiên, sẽ không công bằng cho các thí sinh. Như vậy lúc này, với tỷ lệ được chọn nhiều hơn, các chuyên gia đang tiếp tục cân nhắc lựa chọn giữa phương án 2 và phương án 3, tức là có đưa Ngoại ngữ vào là môn thi bắt buộc hay không.

Cân nhắc việc có chọn Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc

Phương án 2+2 tức là 2 môn thi bắt buộc: Ngữ văn, Toán và 2 môn lựa chọn. Phương án này nhận được 59,8% bình chọn tại một số địa phương. Đây là phương án thi ít môn nhất nên chắc chắn tiết kiệm nhất.

Tuy nhiên trong phương án 2+2, môn Ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc, liệu có ảnh hưởng đến chất lượng học ngoại ngữ của các địa phương?

Tuy nhiên, những chuyên gia khác lại cho rằng, vẫn phải đưa Ngoại ngữ vào môn bắt buộc. Bởi ngay như kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi, số bài thi có điểm dưới trung bình vẫn chiếm gần một nửa. Nếu không bắt buộc thi thì các địa phương không đầu tư cho phát triển môn học được coi là công cụ để hội nhập này.

Lựa chọn phương án nào thì Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Nhưng phương án đó phải bám sát Nghị quyết 29 của Đảng, Nghị quyết 88 của Quốc hội và Nghị quyết 144 của Chính phủ đó là: giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn đảm bảo cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và đại học.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước