Theo Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, 15,5 là số điểm cao nhất trong 13 năm qua cho tất cả khối thi, chưa kể điểm ưu tiên và nhân hệ số để tham gia xét tuyển. Trước đó, trong hai năm 2015 và 2016, mức điểm sàn áp dụng chung cho tất cả khối thi là 15.
Như vậy, điểm sàn năm 2017 tăng 0,5 điểm so với năm 2016. Theo đó, điểm trung bình của các khối lần lượt là: Khối A: 18,38, khối A1: 17,86; khối B: 17,72; khối C: 18,66; khối D: 17,51.
"Trong 13 năm qua, từ khi bắt đầu thi "3 chung" (chung đề, chung đợt và chung kết quả thi - PV), điểm sàn dịch chuyển từ mức 13 điểm lên 14 điểm, 15 điểm, năm nay là 15,5 điểm. Tuy mức điểm dịch chuyển năm nay có 0,5 điểm, nhưng đó là sự cố gắng lớn của cả thí sinh và nhà trường trong quá trình dạy và học. Năm nay, thí sinh được thi tại địa phương, có thể làm bài tự tin hơn, điểm số cao hơn. Do đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nâng lên một chút", Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay.
Thứ trưởng Ga cho biết thêm: "Khi phân tích ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, Hội đồng xét có phân tích nhiều khía cạnh, trong đó có phân tích dựa trên tỷ lệ thí sinh đạt trên cả nước, từng vùng miền. Bộ GD&ĐT cũng tính toán cả sự dịch chuyển của thí sinh.
Năm nay, Bộ đã có thêm một công cụ kỹ thuật chạy phần mềm xét tuyển trên cơ sở dữ liệu để xét cho thí sinh, xác định thí sinh trúng tuyển ở các trường đại học nào. Ngay trong đợt 1, các trường đại học có thể tuyển được bao nhiêu thí sinh. Dựa trên những phân tích trên cho thấy, kết quả thi tuyển sinh, chất lượng đầu vào nâng cao đáng kể. Những dự báo ban đầu về thay đổi cách thi, ra đề thi, có thể thí sinh làm không tốt như trước đã không xảy ra; bên cạnh đó, thí sinh đã thay đổi được cách học, giáo viên thay đổi cách dạy".
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, điểm sàn năm 2017 cao nhất trong 13 năm qua kể từ khi bắt đầu kỳ thi "3 chung".
Năm 2017 sẽ là năm cuối cùng Bộ đưa ra điểm sàn chung cho các trường. Từ năm 2018, các trường đại học tự quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của mình.
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, 272.130 thí sinh đạt trên điểm sàn ở tổ hớp khối A ; 251.437 thí sinh trên sàn ở tổ hợp A1; 254.008 thí sinh trên sàn ở tổ hợp khối B. Tổ hợp khối C có 233.909 thí sinh đạt điểm từ 15,5 trở lên. Tổ hợp khối D có 403.404 thí sinh điểm trên sàn.
Theo Bộ GD&ĐT, với 15,5 điểm, các trường trong cả nước tuyển được 83% trong đợt 1. Phần mềm dự báo lọc ảo của bộ cho ra kết quả: 85 trường đạt chỉ tiêu 100%, 66 trường đạt chỉ tiêu từ 80% đến 99%, 83 trường đạt chỉ tiêu từ 40% đến 79%. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, tính toán dự báo cho thấy điểm sàn ít ảnh hưởng tỷ lệ tuyển sinh trong đợt một. Nếu điểm sàn 18 điểm thì đợt 1 tuyển được 74% tổng chỉ tiêu. Nếu điểm sàn 13 thì đợt 1 tuyển được 87% tổng chỉ tiêu.
Kể từ năm 2018, các trường chủ động đưa ra điểm sàn.
Ngoài ra, số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển lần lượt là: Khối A: 883.768 thí sinh (34,59%); khối A1: 286.760 thí sinh (11,22%); khối B: 282.984 thí sinh (11,08%); khối C: 277.722 thí sinh (10,87%); khối D1: 608.632 thí sinh (23,82%).
Mặc dù thí sinh được đăng ký với số nguyện vọng không giới hạn nhưng thí sinh vẫn tập trung đăng ký một số ngành và trường yêu thích, không phân bố đều giữa các trường.
Từ ngày 15/7, thí sinh bắt đầu thay đổi nguyện vọng xét tuyển vào các trường Đại học. Dự kiến ngày 1/8, các trường Đại học công bố kết quả trúng tuyển.
Chậm nhất ngày 2/8, thí sinh sẽ biết điểm thi phúc khảo. Hệ thống dữ liệu của Bộ GD&ĐT sẽ cập nhật cho thí sinh. Thí sinh cũng được quyền phúc khảo bài thi. Theo quy định, thời gian phúc khảo từ 8/7 đến 17/7.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!