Kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính: Đề thi riêng theo dạng nào?

Khánh Nguyễn (t/h)-Thứ hai, ngày 23/09/2024 06:55 GMT+7

VTV.vn - Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính dự thi 7 môn độc lập. Đề thi có 25 câu hỏi với 3 dạng thức.

10 trường đại học lớn tổ chức thi riêng để tuyển sinh năm 2025

Có 6 trường đại học lớn ở TP Hồ Chí Minh và 4 trường ở các tỉnh thành sẽ tổ chức xét tuyển năm 2025 bằng kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính (V-SAT).

Tại khu vực TP Hồ Chí Minh có 6 trường bao gồm: Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Tài chính - Marketing, Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Văn Lang.

Tại khu vực miền Bắc gồm Đại học Thái Nguyên và Học viện Ngân hàng.

Tại khu vực miền Tây Nam Bộ gồm Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Trà Vinh.

Các trường đại học này sẽ sử dụng kết quả kỳ thi V-SAT để tuyển sinh năm 2025. Kỳ thi V-SAT được khởi xướng từ Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh. Trung tâm Khảo thí quốc gia và đánh giá chất lượng giáo dục cung cấp ngân hàng câu hỏi và phần mềm tổ chức thi.

Đề thi của 10 trường đại học lớn tổ chức thi riêng

Các Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Tài chính - Marketing, Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Văn Lang, Đại học Thái Nguyên và Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Trà Vinh sẽ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính V-SAT để tuyển sinh năm 2025.

Nội dung đề thi V-SAT sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 (khoảng 90% kiến thức thuộc chương trình lớp 12; khoảng 10% kiến thức thuộc chương trình lớp 10 và lớp 11). Thí sinh làm bài thi trên máy tính, trong đó thời gian làm bài môn Toán 90 phút; các môn Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Sinh học là 60 phút.

Theo đó, mỗi đề thi có 3 dạng câu hỏi gồm: Dạng câu trắc nghiệm đúng/sai; dạng câu trắc nghiệm đối chiếu cặp đôi (ghép hợp) và dạng câu trắc nghiệm trả lời ngắn.

Kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính: Đề thi riêng theo dạng nào? - Ảnh 1.

Đối với câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai thường có định dạng ngoài phần để hỏi, loại câu hỏi này gồm ba cột, một cột là danh sách những câu hỏi và hai cột còn lại là các ô trống để thí sinh dựa vào hiểu biết của mình đưa ra quyết định chọn đúng hoặc sai. Mỗi câu hỏi loại này thường xây dựng 4 - 5 phương án lựa chọn đúng/sai.

Đối với câu hỏi trắc nghiệm ghép hợp là câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn, ngoài phần để hỏi-phần dẫn, loại câu hỏi này gồm hai cột, một cột là danh sách những câu/ý hỏi và một cột là danh sách các câu trả lời. Dựa trên một hệ thức tiêu chuẩn nào đó định trước, thí sinh tìm cách ghép những câu hỏi của cột này với các câu trả lời ở cột còn lại sao cho phù hợp. Số câu trong hai cột có thể bằng nhau hoặc khác nhau.

Phần để hỏi thường được đặt ở cột bên trái, đánh thứ tự câu/ý hỏi bằng chữ số (1,2, 3...): phần trả lời được đặt ở cột bên phải, đánh thứ tự bằng chữ cái latin (A, B, C,...). Để đảm bảo độ giá trị của câu hỏi và giảm thiểu khả năng đoán mò của thí sinh, số lượng lựa chọn ở cột bên phải thường được thiết kế nhiều hơn, số lượng các câu hỏi ở cột bên trái.

Đối với câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn, thí sinh được yêu cầu tìm tòi ra câu trả lời của mình, thay vì lựa chọn câu trả lời từ các phương án cho sẵn. Câu trả lời có thể là một từ, một con số, một biểu tượng hoặc một cụm từ, hay cũng có thể là một câu trả lời đơn giản. Loại câu trắc nghiệm này thường được sử dụng để kiểm tra việc ghi nhớ thông tin, sự kiện quan trọng hoặc những kiến thức, khái niệm cơ bản; kiểm tra kỹ năng thực hiện một nhiệm vụ; kiểm tra năng lực tư duy, suy luận logic; kiểm tra khả năng áp dụng các kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề liên quan.

Nội dung câu hỏi các môn thi nhằm đánh giá khả năng hiểu các kiến thức cơ bản liên quan đến lĩnh vực Toán học; khả năng đọc, tư duy, suy luận logic môn học đó thông qua dữ kiện được cung cấp và kiến thức đã học; khả năng áp dụng các kiến thức phổ thông để giải quyết các vấn đề liên quan.

Về cách chấm điểm, các bài thi được tính điểm theo cả hai cách điểm thô và điểm năng lực. Điểm thô của một thí sinh sẽ là tổng số điểm mà thí sinh đạt được dựa trên số tiểu mục câu hỏi trả lời đúng. Đối với dạng thức câu hỏi đúng/sai và ghép hợp, mỗi câu hỏi có 4 tiểu mục câu hỏi; trả lời đúng mỗi tiểu mục sẽ được 1,5 điểm. Đối với câu hỏi trả lời ngắn, mỗi câu trả lời đúng được 6 điểm. Tổng điểm mỗi bài thi là 150 điểm.

Ở bài thi này, để đạt điểm tối đa, thí sinh phải trả lời đầy đủ và đúng 85 tiểu mục câu hỏi thi, đây là điểm khác biệt và cũng là ưu điểm của định dạng bài thi V-SAT.

Tuyển sinh đại học từ năm 2025 có gì mới?

Bắt đầu từ năm 2025, thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn với 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Theo dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), dự kiến Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ rút ngắn thời gian tổ chức thi từ 4 buổi như hiện nay xuống còn 3 buổi thi. Thay vì thi 6 môn như trước (3 môn bắt buộc và 3 môn thành phần trong tổ hợp môn tự chọn), thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với 4 môn gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số những môn học còn lại. Trong số các môn thi tự chọn, có 2 môn lần đầu tiên sẽ được thi tốt nghiệp THPT là Tin học và Công nghệ.

Thông tin thêm về những điểm mới trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đại diện Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT sẽ bổ sung thêm một số dạng thức câu hỏi thi mới đối với các môn thi trắc nghiệm và tăng cường tính phân hoá của đề thi tất cả các môn để đạt được các mục tiêu của kỳ thi; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh hơn trong công tác tổ chức thi như tất cả các đối tượng tham dự kỳ thi đều có thể đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến, xác thực thông tin cá nhân và các ưu tiên cộng điểm kỳ thi qua cơ sở dữ liệu số. Việc truyền tải đề thi sẽ có thêm phương thức mới là qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ bảo đảm nhanh, bảo mật, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Đáng chú ý về tổ chức điểm thi, phòng thi sẽ được sắp xếp theo nguyên tắc hỗ trợ tối đa cho thí sinh không phải di chuyển phòng thi như cho phép trộn học sinh ở các cơ sở giáo dục gần nhau để tổ chức các điểm thi tiện ích cho thí sinh; thí sinh chỉ dự thi tại 1 phòng thi duy nhất trong suốt kỳ thi, ưu tiên sắp xếp theo cùng bài thi của 2 môn tự chọn. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT được điều chỉnh theo hướng tăng tỉ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình GDPT 2018 và tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi như đã công bố. Ngoài ra, thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ đáp ứng theo quy định được miễn thi môn Ngoại ngữ nhưng không quy thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp THPT như quy định hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước