Một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh cãi trong thời gian vừa qua liên quan đến một chương trình nhiều sách giáo khoa là chúng ta đã nhầm lẫn giữa các khái niệm chương trình học và sách giáo khoa. Chương trình giáo dục được hiểu là hệ thống các môn học, những nội dung môn học mà người học cần phải học để tốt nghiệp, được cấp chứng nhận đã học xong từng khối lớp, cấp học. Chương trình giáo dục này là duy nhất, giáo viên và học sinh bắt buộc phải căn cứ vào chương trình giáo dục để dạy và học, các cơ sở đào tạo căn cứ để kiểm tra chất lượng giáo dục và ra đề thi trong các kỳ thi cấp quốc gia.
Sách giáo khoa là sự thể hiện những nội dung cụ thể của chương trình giáo dục bằng việc hệ thống kiến thức phù hợp cho từng khối lớp, cấp học, là tài liệu đặc biệt mang tính chất tham khảo chính thống hỗ trợ cho việc dạy và học tốt hơn. Như vậy, chương trình giáo dục và sách giáo khoa không phải là một.
Việc có nhiều sách giáo khoa sẽ giúp cho người dạy và người học có nhiều lựa chọn và chủ động hơn trong việc lựa chọn kiến thức tiếp nhận và giảng dạy, điều lâu nay bị áp đặt hoặc bắt buộc phải thực hiện theo. Trên thực tế, tại Việt Nam trước đây cũng có nhiều sách giáo khoa cho chung một chương trình. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên nước ta xã hội hóa việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!