Ngày 22/6, 866.000 thí sinh trên cả nước sẽ bước vào Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Trong đó, khoảng 26% thí sinh dự thi năm nay chỉ để xét tốt nghiệp THPT.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết ngày 31/5, ban đề thi của Bộ đã bắt đầu triển khai công việc. Theo quy chế, mỗi thí sinh trong một phòng thi có mã đề thi khác nhau nên số lượng nhiều hơn hẳn so với năm ngoái. Và khâu chuẩn bị ngân hàng câu hỏi trước khi ra đề thi được cho là tốn nhiều công sức và thời gian nhất.
Kỳ thi THPT quốc gia 2017 diễn ra trong 2,5 ngày, gồm 22, 23 và sáng 24/6.
Năm nay, Bộ GD&ĐT tổ chức 5 bài thi, gồm 3 bài độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) đối với thí sinh học chương trình THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).
Về quá trình chuẩn bị về đề thi nói riêng và kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 nói chung, VTV News đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thưa ông Mai Văn Trinh, quá trình chuẩn bị ngân hàng câu hỏi để chuẩn bị ra đề thi THPT Quốc gia liệu có phải là khâu tốn nhiều công sức, thời gian nhất? Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các Sở GD&ĐT, trường Đại học/Cao đẳng cũng như các cơ quan khác ra sao để thực hiện công việc này?
PGS TS Mai Văn Trinh: Công tác xây dựng Ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi cho các bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan và chuẩn bị nguồn đề đề xuất cho bài thi Ngữ văn theo hình thức tự luận; xây dựng phần mềm tổ chức thi, chấm thi, tuyển sinh được Bộ GD&ĐT tập trung thực hiện với nhiều công sức, thời gian để đảm bảo tổ chức tốt kỳ thi.
Bộ GD&ĐT đã tích cực bổ sung, chuẩn hóa Ngân hàng câu trắc nghiệm đã có tại Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục bằng nhiều nguồn khác nhau, như huy động giáo viên THPT giỏi của tất cả 63 tỉnh, thành, các giảng viên ĐH có chuyên môn tốt, nắm vững chương trình THPT có nhiều kinh nghiệm thi kiểm tra đánh giá và có ý thức trách nhiệm cao, thực hiện nghiêm túc các quy định bảo mật tham gia biên soạn, biên tập câu hỏi thi, khai thác các câu hỏi thi phù hợp trong Ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
PGS.TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, ngân hàng câu hỏi phục vụ kỳ thi đã được hoàn thiện đúng tiến độ.
Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đã được hoàn thiện đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng để xây dựng các đề thi chính thức, đảm bảo tổ chức thành công Kỳ thi THPT quốc gia vào bắt đầu từ ngày 22/6 tới.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các đơn vị liên quan của Bộ đã và đang phối hợp nhuần nhuyễn, kịp thời với các Sở GD&ĐT, các trường Đại học, các trường Cao đẳng sư phạm tham gia tổ chức thi trên tinh thần trách nhiệm cao, hiệu quả, sáng tạo, sát thực tế tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Ngoài quá trình chuẩn bị Ngân hàng câu hỏi cho đề thi, Bộ GD&ĐT đã tiến hành các bước chuẩn bị khác như thế nào, tình hình chuẩn bị đến đâu, thưa ông?
PGS TS Mai Văn Trinh: Cho đến nay, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 trong toàn ngành, ở Bộ, tại các địa phương đã diễn ra khá thuận lợi và cơ bản hoàn tất.
Cụ thể, về phía Bộ GD&ĐT, chúng tôi đã sớm ban hành các văn bản pháp quy, các văn bản hướng dẫn chỉ đạo tổ chức thi và tuyển sinh như: Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT; Quy chế tuyển sinh Đại học hệ chính quy; tuyển sinh Cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy; hướng dẫn thực hiện Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2017; hướng dẫn công tác tuyển sinh Đại học hệ chính quy; tuyển sinh Cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2017.
Cùng với đó, thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn đề nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc Sở GD&ĐT; Cục trưởng Cục Nhà trường Bộ Quốc phòng; Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ phối hợp thực hiện nhiệm vụ tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017. Bộ GDĐT cũng đã ban hành Quyết định giao nhiệm vụ chủ trì và phối hợp tổ chức thi THPT quốc gia năm 2017 cho các Sở GD&ĐT và các trường đại học, các trường cao đẳng sư phạm.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện các phần mềm quản lý thi và tuyển sinh trên cơ sở các phần mềm đã áp dụng có hiệu quả trong các năm 2015, 2016 cho phù hợp với Phương án tổ chức thi năm 2017; đồng thời, nâng cấp kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thi và tuyển sinh.
Bộ đã tổ chức tập huấn về quy chế, nghiệp vụ tổ chức thi, tuyển sinh và sử dụng phần mềm quản lý thi, tuyển sinh năm 2017 cho các sở GDĐT, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) và các trường ĐH, CĐ trong toàn quốc.
Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị của Bộ trực tiếp trao đổi thông tin trên các báo, đài về Kỳ thi THPT Quốc gia, đặc biệt là trong các buổi họp báo thường kỳ.
Về công tác truyền thông, lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị của Bộ trực tiếp trao đổi thông tin trên các báo/đài về Kỳ thi THPT Quốc gia và công tác tuyển sinh năm 2017; đồng thời, cử cán bộ tham gia cùng các báo, đài để cung cấp thông tin, tư vấn giải đáp các băn khoăn thắc mắc, giúp giáo viên, học sinh, phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội nắm được thông tin và đồng thuận với chủ trương thi và tuyển sinh năm 2017 của Bộ.
Trước đó, Bộ đã chỉ đạo các Sở GD&ĐT tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển ĐH hệ chính quy, tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy từ ngày 01/4/2017 đến hết ngày 20/4/2017. Bộ GD&ĐT đã thiết lập kênh thông tin trực tiếp tới các Giám đốc Sở GD&ĐT, Hiệu trưởng các trường ĐH, các trường CĐ sư phạm; đồng thời thành lập Tổ công tác trực thi, công khai các số điện thoại, email trực thi – tuyển sinh để trực tiếp xử lý các khó khăn vướng mắc trong quá trình đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển. Công tác đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển thuận lợi, đảm bảo đúng tiến độ quy định; cơ sở dữ liệu thi và tuyển sinh đảm bảo chính xác và bảo mật.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thành lập 5 đoàn công tác do các Thứ trưởng và Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia làm trưởng đoàn đến một số địa phương tại các vùng, miền trong cả nước để kiểm tra công tác chuẩn bị cho Kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017.
Về tình hình chuẩn bị của các địa phương hiện ra sao, thưa ông?
PGS TS Mai Văn Trinh: Qua công tác kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia, nhìn chung, công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia năm 2017 được thực hiện nghiêm túc, tích cực, chủ động, chu đáo tại các địa phương.
Cụ thể, tất cả các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố làm Trưởng ban. Thành phần của Ban chỉ đạo có đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, trường ĐH, CĐ đến phối hợp, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan. Theo đó, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh đã chủ động triển khai công tác tổ chức thi THPT quốc gia của địa phương.
Các điều kiện đảm bảo cho Kỳ thi THPT Quốc gia như nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất phòng thi, vật tư, thiết bị; nơi ăn ở cho cán bộ, giáo viên và học sinh ở xa nghỉ trọ trong những ngày thi đều đã được tính toán cụ thể và có phương án bố trí hợp lý, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của quy chế. Đặc biệt, ngay cả ở các vùng có điều kiện khó khăn như các tỉnh thuộc Tây bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ, các tỉnh vùng biên giới, hải đảo… cũng đã dành những điều kiện tốt nhất có thể cho các cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia kỳ thi này.
Các tổ chức xã hội, đoàn thể cũng đã sẵn sàng hỗ trợ Kỳ thi THPT Quốc gia.
Các tổ chức xã hội, đoàn thể cũng đã sẵn sàng hỗ trợ Kỳ thi thông qua các chương trình "Tiếp sức mùa thi", chương trình từ thiện như cấp bữa ăn, nước uống, nơi ở miễn phí cho thí sinh. Nhiều tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp huyện như "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh để triển khai nhịp nhàng, thuận lợi cho công tác chuẩn bị và tổ chức thi trên địa bàn.
Các trường phổ thông đã nghiêm túc thực hiện kế hoạch năm học, hoàn thành chương trình năm học theo quy định, tổ chức ôn tập cho học sinh trên tinh thần tự nguyện.
Nhìn chung, tất các địa phương đã và đang chủ động, sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao đã làm tốt công tác chuẩn bị Kỳ thi THPT Quốc gia với khả năng cao nhất của địa phương mình.
Dẫu vậy, chắc hẳn vẫn có những khó khăn, vướng mắc mà Bộ GD&ĐT gặp phải trong khâu chuẩn bị?
PGS TS Mai Văn Trinh: Vướng mắc thì không, còn những khó khăn về mặt kỹ thuật thì đâu đó vẫn còn xuất hiện trong quá trình chuẩn bị cho Kỳ thi. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm cao trước học sinh, nhà trường và xã hội, mọi khó khăn phát sinh đến nay đều được kịp thời xử lý phù hợp với quy chế và với điều kiện thực tiễn của các địa phương.
Như ông chia sẻ, Bộ GD&ĐT đã gặp nhiều thuận lợi nào trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia sau những cải tiến so với năm 2016. Ông có thể chia sẻ rõ hơn?
PGS TS Mai Văn Trinh: Những thuận lợi rất cơ bản có thể kể ra đó là sự quan tâm chỉ đạo có hiệu quả của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương; sự nỗ lực, cố gắng với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ngành, các tổ chức xã hội ở mỗi địa phương để chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho Kỳ thi. Bộ GDĐT đã nhận được sự đồng thuận cao của xã hội trong tổ chức Kỳ thi này. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc bằng những giải pháp và hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả để cùng Bộ GDĐT chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho Kỳ thi.
Công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2017 của Bộ GD&ĐT đang gặp nhiều thuận lợi.
Cùng với đó là thống nhất quyết tâm tổ chức thành công Kỳ thi của toàn Ngành giáo dục. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã chủ động tính toán những bước đi phù hợp, tạo những điều kiện tốt nhất có thể cho Kỳ thi, nhất là trong việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; xây dựng Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, hoàn thiện phần mềm quản lý thi, tuyển sinh; chuẩn bị hệ thống công nghệ thông tin ổn định, thông suốt; tập huấn nghiệp vụ thi; làm tốt công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận xã hội, tạo tâm lý tốt cho học sinh, giáo viên các trường phổ thông cũng như cán bộ, giáo viên các trường ĐH và các trường CĐ sư phạm tham gia tổ chức Kỳ thi,...
Các Sở GD&ĐT chủ trì cụm thi tại mỗi địa phương nỗ lực đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, phòng thi, công tác an ninh, trật tự… ở tất cả các khâu từ đăng ký dự thi cho thí sinh, sao in vận chuyển đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo đến công bố kết quả thi.
Các trường ĐH và các trường CĐ sư phạm được phân công về các địa phương đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao, xem đây là nhiệm vụ quan trọng. Nhiều trường, địa phương đã bố trí thêm nguồn kinh phí từ nguồn tự chủ của mình để hỗ trợ các cán bộ, giảng viên về địa phương làm công tác thi. Các tổ chức xã hội đã chuẩn bị nhiều chỗ ở, suất ăn, nước uống miễn phí phục vụ thí sinh và người nhà thí sinh.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!