Đề Hóa dễ "ăn" điểm
‘ Thí sinh rạng ngời sau buổi thi môn Hóa (Ảnh: Dân trí)
Kết thúc 90 phút làm bài thi môn Hóa học, em Trần Quang Thanh (Nghệ An) - thí sinh dự thi Đại học Y Hà Nội cho biết: “Đề thi này vừa với khả năng của em. Đa số các câu hỏi trong đề đều là những dạng chúng em đã được ôn luyện. So với đề thi Sinh thì đề thi Hóa có vẻ dễ có điểm cao hơn”.
Cùng chung nhận định, thí sinh Lê Khánh Dương (THPT Việt Đức) nhận xét: “So với hai môn Toán, Sinh hôm qua thì môn Hóa hôm nay “dễ thở” hơn hẳn. Một phần vì đề không quá khó, một phần vì là môn thi cuối nên chúng em cũng thấy thoải mái hơn”.
Còn tại điểm trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, sĩ tử rời khỏi phòng thi đều cho rằng đề Hoá khối B khó hơn khối A. Tuy nhiên, kiến thức cơ bản, học lực trung bình cũng kiếm được 5-6 điểm. "Tuy khó hơn đề khối A nhưng môn Hoá hôm nay em làm bài khá tốt, chắc đúng khoảng 70-80%. Đề ra vừa sức, không đánh đố. Một số câu phân loại học sinh khiến chúng em mất nhiều thời gian giải", Hoàng Lan, thí sinh thi khoa Khoa học môi trường nói.
"Sức mạnh chân chính của một quốc gia" vào đề thi Văn khối C
‘ Các thí sinh trao đổi sau giờ thi (Ảnh: Dân trí)
Đề thi các môn khoa học xã hội, đặc biệt là Văn thời gian gần đây thu hút sự chú ý của cả xã hội khi lần lượt đưa các vấn đề thời sự nóng hổi vào đề, yêu cầu học sinh cảm nhận, phân tích.
Kết thúc 180 phút bài thi môn Văn, nhiều thí sinh khối C rời phòng thí với tâm trạng khá thoải mái, nhiều em nhận định đề Văn năm nay không quá khó. Năm nay, đề thi Đại học môn Ngữ văn khối C đã lồng ghép rất nhiều vấn đề thực tiễn cuộc sống. Đó là tình cảm của những người thân trong gia đình qua hồi ức tuổi thơ của Nguyễn Duy, là hình tượng sông Hương trong bút ký "Ai đã đặt tên cho dòng sông", là triết lý về kẻ mạnh, kẻ yếu, về sức mạnh chân chính...
Ở câu 2 (3 điểm), đề thi yêu cầu thí sinh viết về điều làm nên sức mạnh chân chính của mỗi con người, quốc gia dựa vào ý kiến: "Kẻ mạnh không phải là kẻ dẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình".
Nhận xét về đề thi, một nữ sinh dự thi vào Học viện Báo chí & Tuyên truyền cho hay: "Đề thi vừa có kiến thức trong nhà trường, vừa đòi hỏi kiến thức xã hội. Mỗi câu đều gần gũi, thân thuộc, tạo cho em rất nhiều cảm hứng".
"Em đã nêu bối cảnh Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan tại vùng biển của Việt Nam hiện nay vào trong bài để phân tích về sức mạnh chân chính của các quốc gia. Theo em, để làm nên sức mạnh ấy, mỗi đất nước cần có tinh thần dân tộc, mục đích chính đáng, tình yêu thương con người và sự tôn trọng các quốc gia khác", Nguyễn Thị Tính, THPT Lục Ngạn 4, Bắc Giang nói.
"Nước những người chưa bao giờ khuất" trong đề văn khối D
‘ Đề ngữ văn khối D tạo nhiều cảm hứng cho thí sinh (Ảnh: VnExpress)
Cũng như cấu trúc đề thi Ngữ văn khối C, đề Văn khối D gây nhiều cảm hứng với ba câu hỏi yêu cầu thí sinh vừa thể hiện được năng lực cảm thụ văn chương, vừa thể hiện chính kiến trước những vấn đề của cuộc sống.
Trong đó, có câu yêu cầu thí sinh viết về tâm tư, tình cảm của Nguyễn Đình Thi qua những lời khẳng định: "Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về".
Bên cạnh đó, câu nghị luận xã hội trong đề thi cũng hướng học sinh đến những lối sống cao đẹp, lành mạnh, vì cộng đồng; Đồng thời cũng mở rộng, nâng cao khi đề cập đến những vấn đề mang tính chất thời sự. Qua đây, học sinh có cơ hội được bày tỏ suy nghĩ, sự hiểu biết và tự nhắc nhở về tinh thần trách nhiệm với các vấn đề lớn của dân tộc. Đó là ý nghĩa của "cống hiến hết mình".
Nhìn chung, các thí sinh đều thấy thích thú với các câu hỏi trong đề thi năm nay.
Kết thúc các môn thi cuối cùng trong đợt II kỳ thi tuyển sinh Đại học - Cao đẳng 2014, đa số các thí sinh đều nở nụ cười rạng rỡ và thở phào nhẹ nhõm, tự tin với bài thi của mình.