Hơn 9,7 điểm/môn vẫn trượt, hiệu trưởng ĐH Sư phạm lý giải 'đó là quy tắc của sự lựa chọn'

Khánh Nguyễn-Thứ hai, ngày 19/08/2024 19:22 GMT+7

VTV.vn - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lý giải, điểm chuẩn cao do số lượng thí sinh đăng ký đông trong khi chỉ tiêu tuyển sinh có hạn.

Năm nay, điểm chuẩn các ngành học của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đều tăng so với năm ngoái. Đặc biệt, có 3 ngành học điểm chuẩn trên 29, gồm: Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử; Sư phạm Địa lý.

Trong đó, 2 ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử đạt mức 29,3; cao hơn mức điểm chuẩn cao nhất của năm ngoái 0,88 điểm (ngành Sư phạm Lịch sử - 28,42 điểm).

Với những ngành học này, tính bình quân, mỗi môn đạt 9,7 điểm, thí sinh vẫn trượt, nếu không có điểm cộng ưu tiên hay khuyến khích.

Về vấn đề một số ngành của Trường ĐH Sư phạm và cả những trường khác dù thí sinh đạt tổng điểm 29 vẫn trượt, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có những giải đáp bên lề Hội nghị Tổng kết năm học 2023-2024.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho hay, đến thời điểm này, hầu như tất cả các trường đại học đã công bố điểm chuẩn. Nhìn chung điểm vào khối trường sư phạm năm nay đều tăng, không chỉ với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Hơn 9,7 điểm/môn vẫn trượt, hiệu trưởng ĐH Sư phạm lý giải  đó là quy tắc của sự lựa chọn - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trao đổi tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025.

"Việc điểm chuẩn tăng có nhiều lý do. Có thể thấy chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chính sách cấp học phí và cấp bù sinh hoạt phí đã thu hút số lượng sinh viên vào ngành sư phạm ngày càng đông. Năm nay, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm tăng vọt. Chỉ tiêu có hạn trong số đăng ký đông nên chỉ có những thí sinh tốp trên mới có đủ điểm đỗ. Tôi cho rằng đó là một dấu hiệu tích cực.

Riêng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có điểm khác nữa là số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển thẳng khá cao. Năm nay trường có khoảng 300 học sinh giỏi quốc gia đăng ký vào các ngành. Điều này làm cho việc cạnh tranh thêm gay gắt hơn", PGS.TS Nguyễn Đức Sơn lý giải.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết thêm: "Nếu nhìn nhận theo cách so sánh điểm năm này với những năm khác thì có vẻ như điểm chuẩn đó quá cao, nhưng nếu nhìn nhận theo tuyển sinh đại học, tức là tuyển những người có đủ năng lực để vào và mang tính chất lựa chọn từ trên xuống dưới, nếu như có nhiều người tốp trên và đã đủ chỉ tiêu thì những người tốp dưới đương nhiên sẽ bị mất cơ hội. Đó quy tắc của việc lựa chọn. Tôi cho rằng đó là chuyện bình thường trong cuộc sống và chúng ta phải học cách chấp nhận mình giỏi nhưng xung quanh còn có nhiều người giỏi hơn".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước