Khoảng 150 đại biểu là các giáo sư, giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia như Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Ba Lan và các nước trong khu vực châu Á đã tham dự hội thảo Mô hình đại học 4.0 - Nền tảng giáo dục thế kỷ 21.
Mức độ ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới hiện như thế nào, các trường đại học trên thế giới tiếp cận đến đâu, kinh nghiệm nào áp dụng cho Việt Nam... là những câu hỏi được các đại biểu đặt ra ngay từ đầu buổi hội thảo. Điều đặc biệt, ngoài các chuyên gia nước ngoài, nhiều câu trả lời còn đến từ giáo sư, giảng viên người Việt đang công tác tại nhiều trường đại học danh tiếng ở Ba Lan, Pháp, Đức, Mỹ. Họ chính là những người trực tiếp đào tạo đại học 4.0 trên thế giới, đồng thời hiểu rõ đặc điểm của nền giáo dục, thị trường lao động Việt Nam.
Các chuyên gia đã khẳng định, giáo dục đại học đang phải chịu áp lực lớn trong cuộc cách mạng này vì là nơi đào tạo, cung cấp đầu ra cho nguồn lao động. Trong khi dự báo, nguồn lao động sẽ giảm đi rất nhiều từ trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật.
Nếu không nâng cao tay nghề, trang bị kiến thức cho đội ngũ này, khả năng thất nghiệp là rất cao. Một số nhãn hàng lớn trên thế giới hiện đã xây dựng hệ thống sản xuất, nhà hàng hoạt động chủ yếu bằng robot, cắt giảm mạnh nhân công.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!