Học sinh vẫn lúng túng khi lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 03/10/2023 21:27 GMT+7

VTV.vn - Nhiều học sinh còn lúng túng trong việc lựa chọn tổ hợp môn học nào nào để phù hợp với khả năng, sở thích và định hướng nghề nghiệp sau này.

Năm học này là năm thứ hai học sinh lớp 10 học theo Chương trình và sách giáo khoa mới. Ngoài các môn học bắt buộc, các em được tự chọn một tổ hợp môn học do nhà trường xây dựng.

Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

Còn với các môn lựa chọn, học sinh chọn 4 trong số 9 môn: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật.

Tuy nhiên, nhiều học sinh còn lúng túng trong việc lựa chọn tổ hợp môn học nào nào để phù hợp với khả năng, sở thích và định hướng nghề nghiệp sau này. Năm học mới vừa bắt đầu nhưng không ít học sinh đã xin đổi tổ hợp môn học lựa chọn.

Học sinh thay đổi tổ hợp môn lựa chọn

Sau 1-2 tuần học đầu tiên, Trường THPT Việt Đức, Hà Nội có một số học sinh xin đổi môn học lựa chọn. Có em chuyển hướng hoàn toàn từ tổ hợp KHXH sang KHTN.

Còn em học sinh Đào Ngọc Quang Anh (Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội) cũng mất khá nhiều thời gian, chẳng khác gì cân não khi chọn tổ hợp ngay khi vừa chân ướt chân ráo vào lớp 10.

Em Nguyễn Khánh Vy - học sinh lớp 11, Trường THPT Việt Đức, Hà Nội - chia sẻ: "Học một thời gian, em thấy mình không phù hợp và em muốn đổi mục tiêu thi đại học, nếu tiếp tục học tổ hợp các môn tự nhiên sẽ rất nặng với em".

Ngoài nguyên nhân thay đổi định hướng thi đại học hay không phù hợp năng lực thì nhiều học sinh kể cả phụ huynh cũng chưa hiểu rõ về nội dung một số môn học như Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ. Dẫn đến chưa hiểu hết về ngành học và nghề nghiệp liên quan nếu học các tổ hợp có các môn học này. Cũng có không ít trường hợp học sinh chọn theo cảm tính, né các môn học mà các em cho là khó ở cấp THPT là Vật lý, Hóa học...

Trường gặp khó vì học sinh đổi tổ hợp môn học

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì từ lớp 10 đến lớp 12 là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Chọn tổ hợp môn học phải dựa trên mong muốn và định hướng của học sinh cho xét tuyển đại học và thậm chí là cả định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Vì vậy nếu chưa phù hợp thì thay đổi là nhu cầu chính đáng. Nhưng ở góc độ của các nhà trường thì khi học sinh thay đổi tổ hợp sẽ gây ra khó khăn nhất định.

Dù khó khăn như vậy nhưng hiện các trường đều chủ động nhiều giải pháp để hỗ trợ học sinh. Sau những lúng túng khi chọn tổ hợp năm học đầu tiên, cùng với hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để tháo gỡ khó khăn thì từ phía các trường học cũng chủ động nhiều phương án, vừa giúp học sinh đổi tổ hợp thuận lợi, vừa đảm bảo triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Linh hoạt nhiều giải pháp hỗ trợ học sinh đổi tổ hợp

Nghỉ hè vừa qua, Nguyễn Khánh Vy (học sinh lớp 11, Trường THPT Việt Đức, Hà Nội) phải học và thi 2 môn Địa lý và Giáo dục Kinh tế và pháp luật để kịp cho tổ hợp mới vào năm học này.

Hết năm lớp 10, em xin chuyển đổi từ tổ hợp KHTN sang KHXH.

Sau năm đầu tiên triển khai chương trình mới ở lớp 10, Trường THPT Việt Đức có 4 học sinh xin đổi tổ hợp môn lựa chọn. Các em được học và ôn tập ngay trong hè tại trường theo quy định. Hết hè, kiểm tra môn chuyển đổi của cả 4 em đều đạt kết quả tốt.

Còn với Trường THCS và THPT Lê Qúy Đôn, Hà Nội, thiết kế chương trình ở lớp 10 luôn có sự lồng ghép, đan xen ôn tập kiến thức cũ, nhất là các môn học như Lý, Hóa, Sinh.

Rút kinh nghiệm từ năm đầu tiên khi sự lúng túng không chỉ ở học sinh mà còn ở chính giáo viên, năm nay, ngay khi tuyển sinh vào lớp 10, việc tư vấn chọn môn học luôn có sự kết hợp của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm với giáo viên bộ môn.

Công tác tư vấn, hướng nghiệp đã được tổ chức thường xuyên nhiều năm nay ở các trường THPT. Nhưng chương trình giáo dục phổ thông mới càng đặt ra yêu cầu đổi mới về chất lượng và hình thức hướng nghiệp. Thậm chí cần tổ chức sớm từ cấp THCS để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh hiểu rõ về năng lực và định hướng nghề nghiệp, từ đó chọn lựa môn học khi bước vào lớp 10 một cách hiệu quả hơn.

Tư vấn chọn môn, hướng nghiệp từ sớm cho học sinh

Sau 3 tuần học đầu tiên, trường Lê Qúy Đôn tổ chức 1 buổi tư vấn, hướng nghiệp

"Hiểu chính mình" - chủ đề của chương trình cũng là thông điệp gửi tới mỗi em học sinh, nhất là các em lớp 10.

Dù đã được tư vấn ngay trong quá trình tuyển sinh nhưng trường vẫn liên tục lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh và có những chương trình tham vấn trong năm học.

13 ngành nghề cụ thể cũng được giới thiệu trong buổi hướng nghiệp này để cho học sinh tiếp cận sớm với các ngành nghề và thị trường lao động. Bởi chương trình mới ngay từ lớp 10 có đã định hướng nghề nghiệp rất cao.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, Sở GD&ĐT TP cho biết, sau 15 năm tổ chức tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh lớp 9, thành phố sẽ tập trung hướng nghiệp sớm từ khối THCS. Điều này không chỉ liên quan đến việc phân luồng học sinh sau THCS mà còn giúp học sinh khi bước vào lớp 10 sẽ lựa môn học tự chọn chính xác hơn, hạn chế tình trạng đổi môn học tự chọn do chọn "nhầm" môn không phù hợp năng lực.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước