Trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi thế giới với tốc độ chưa từng có. Từ y tế, tài chính đến nghệ thuật, AI không chỉ hỗ trợ mà còn dần thay thế con người trong nhiều lĩnh vực. Câu hỏi đặt ra không còn là "AI có nên được sử dụng không?" mà là "Chúng ta sẽ làm chủ AI hay để AI dẫn dắt mình?". Trong bối cảnh đó, giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị cho thế hệ trẻ khả năng tư duy sáng tạo, thích ứng và khai thác AI một cách hiệu quả.
Nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn về sự giao thoa giữa công nghệ và sáng tạo, đồng thời khuyến khích ứng dụng AI vào thực tiễn, trường THPT FPT Hà Nội đã tổ chức sự kiện "Giao lộ Văn học & AI: Lối đi nào cho chúng ta?". Sự kiện không chỉ là một sân chơi trí tuệ mà còn là minh chứng cho tinh thần chủ động, sáng tạo của học sinh trường THPT FPT Hà Nội.
Sự kiện được thiết kế theo mô hình "bình dân AI vụ" với đa dạng trải nghiệm, thu hút đông đảo học sinh hào hứng tham gia
Điểm đặc biệt của sự kiện "Giao lộ Văn học & AI" chính là việc toàn bộ quá trình tổ chức đều do học sinh THPT FPT Hà Nội thực hiện dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo. Từ khâu thiết kế nội dung, xây dựng hoạt động trải nghiệm đến tổ chức triển lãm và tranh biện, tất cả đều mang đậm dấu ấn sáng tạo của học sinh. Các khu vực trải nghiệm tại sự kiện được thiết kế theo mô hình "bình dân AI vụ", đúng với tinh thần mà Chủ tịch Tập đoàn FPT - ông Trương Gia Bình từng chia sẻ: Mang công nghệ đến gần hơn với mọi người, giúp thế hệ trẻ làm chủ AI thay vì chỉ là người sử dụng thụ động.
Mở đầu sự kiện, khách tham quan có cơ hội chiêm ngưỡng triển lãm "Tái tạo cùng AI" - nơi trưng bày những tác phẩm sáng tạo do chính học sinh thực hiện với sự hỗ trợ của công nghệ AI. Những tác phẩm này không chỉ mang đến một góc nhìn mới về văn học mà còn thể hiện tiềm năng ứng dụng AI trong sáng tác nghệ thuật. Từng sản phẩm là sự kết hợp giữa tư duy sáng tạo của học sinh và khả năng hỗ trợ từ công nghệ, tạo nên một không gian triển lãm độc đáo và ấn tượng.
Những tác phẩm do học sinh thực hiện với sự hỗ trợ của AI
Bên cạnh đó, khách mời còn có thể trải nghiệm trực tiếp việc thiết kế truyện tranh với sự hỗ trợ của AI hay tham gia trò chơi phát triển nội dung dựa trên các tác phẩm văn học nổi tiếng. Những hoạt động này không chỉ khơi gợi trí tưởng tượng mà còn giúp học sinh hiểu rõ hơn về cách công nghệ có thể mở rộng chiều sâu và ý nghĩa của văn chương.
Đa dạng hoạt động trải nghiệm dành cho học sinh tham gia Giao lộ Văn học và AI
Không dừng lại ở những trải nghiệm sáng tạo, sự kiện còn mang đến không gian "Mật mã đê mê"– nơi diễn ra chuỗi trò chơi giải mật mã văn học. Điều đặc biệt ở khu vực này là hoàn toàn không sử dụng công nghệ, giúp học sinh rèn luyện tư duy logic, kỹ năng giao tiếp và nhận ra giá trị của sự tương tác trực tiếp trong kỷ nguyên số hóa.
Tại hội trường chính, các hoạt động được đẩy lên cao trào với ba phần nội dung hấp dẫn. Đầu tiên là vở kịch "Kén cá chọn canh" - một màn trình diễn hài hước và sáng tạo do chính học sinh trường THPT FPT Hà Nội biểu diễn. Trong vở kịch, mỗi nhân vật đại diện cho một công cụ công nghệ như Canva, ChatGPT, Invideo..., qua đó mang đến góc nhìn thú vị về ảnh hưởng của AI trong đời sống văn học.
Vở kịch tái hiện những nhân vật AI dí dỏm và hài hước
Tiếp theo là cuộc tranh biện sôi nổi với chủ đề "AI có thể thay thế con người trong sáng tạo văn học?". Hai đội thi tranh luận với hai góc nhìn đối lập đã mang đến những lập luận sắc bén, giúp học sinh không chỉ mở rộng tư duy mà còn nâng cao kỹ năng lập luận và phản biện. Khép lại chương trình là phần trình chiếu MV đặc biệt do học sinh thực hiện với sự hỗ trợ của AI, thể hiện sự trưởng thành trong hành trình rèn luyện Chân - Thiện - Mỹ, đồng thời khẳng định tiềm năng của công nghệ trong sáng tạo nghệ thuật.
Cuộc tranh biện về chủ đề "AI có thể thay thế con người trong sáng tạo văn học?"
Sự kiện "Giao lộ Văn học & AI" không chỉ thể hiện sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy của trường THPT FPT Hà Nội mà còn là minh chứng cho khả năng thích ứng của giáo dục trong thời đại số. Khi AI ngày càng hiện diện trong cuộc sống, việc tích hợp công nghệ vào giảng dạy không chỉ giúp bài học trở nên sinh động hơn mà còn trang bị cho học sinh những kỹ năng quan trọng để hội nhập và chinh phục những thách thức tương lai.
Tại trường THPT FPT Hà Nội, chương trình công nghệ là một trong ba thế mạnh cốt lõi của nhà trường. Các môn học tại đây được thiết kế theo hướng tích hợp công nghệ, từ đó giúp học sinh không chỉ tiếp cận lý thuyết mà còn được thực hành, ứng dụng công nghệ vào đời sống và học tập. Nhà trường không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp các nền tảng AI, lập trình, khoa học dữ liệu vào chương trình học, tạo điều kiện để học sinh làm chủ công nghệ thay vì chỉ là người sử dụng thụ động.
Với phương châm đào tạo toàn diện, trường THPT FPT Hà Nội không chỉ giảng dạy công nghệ mà còn hướng tới việc giúp học sinh làm chủ công nghệ, sử dụng nó một cách có trách nhiệm, nhân văn và sáng tạo. Sự kết hợp giữa công nghệ, tư duy phản biện và kỹ năng tự chủ chính là nền tảng quan trọng giúp học sinh phát triển toàn diện và tự tin bước vào tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!