Đúng 0h01 ngày 11/11 (giờ Việt Nam), diễn viên người Anh Stephen Fry xướng tên "Hà Ánh Phượng - Việt Nam" trong lễ trao danh hiệu Giáo viên toàn cầu. Theo đó, cô giáo Hà Ánh Phượng, 29 tuổi, giáo viên tiếng Anh của trường THPT Hương Cần (Phú Thọ), đã trở thành giáo viên Việt Nam đầu tiên vào top 10 và cũng là người trẻ tuổi nhất được Ban tổ chức giải thưởng Giáo viên toàn cầu lựa chọn.
Việc cô Phượng có tên trong top 10 giáo viên toàn cầu - được ví như "giải Nobel cho giáo dục" - là niềm vinh dự, tự hào của giáo dục đất Tổ nói riêng và cả nước nói chung. Đội ngũ đông đảo những người quan tâm đến giáo dục nước nhà thể hiện rõ niềm tự hào dân tộc. Trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, hình ảnh và thành tích của Phượng được lan toả mạnh mẽ, truyền cảm hứng đến hàng triệu giáo viên, học sinh cả nước.
Cô Phượng người dân tộc Mường, là cựu sinh viên Đại học Hà Nội. Khi ra trường, cô được một công ty dược của Pakistan mời làm giám đốc đại diện kiêm phiên dịch với mức lương hấp dẫn, nhưng đã từ chối để tiếp tục học bậc Thạc sĩ ngành Sư phạm tiếng Anh.
Năm 2016, cô giáo Mường được tuyển đặc cách vào trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Từ một giáo viên của trung tâm Anh ngữ có tiếng tại Hà Nội, một phiên dịch viên đã tham gia phiên dịch cho sự kiện lớn nhỏ của các đơn vị đến từ 18 quốc gia, cô Phượng trở về công tác ở ngôi trường miền núi với gần 90% học sinh người dân tộc thiểu số.
Cô giáo Hà Ánh Phượng. (Ảnh: NVCC)
Và cách truyền đạt kiến thức của cô Phượng cũng rất đặc biệt. Cô Phượng đã tự học cách sử dụng công nghệ thông tin, mở ra "lớp học không biên giới", kết nối học sinh với giáo viên và học sinh các nước khác.
Năm học 2019 - 2020, cô Phượng cùng giáo viên cốt cán của tỉnh Phú Thọ viết sách ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh, dạy học trên truyền hình, phát triển kênh Youtube dạy tiếng Anh miễn phí, hướng dẫn thầy cô trên cả nước về mô hình "lớp học không biên giới" và hỗ trợ dạy học cho trẻ em khó khăn ở nhiều nơi.
"Em thấy các giờ học với cô Phượng đều rất vui và bổ ích. Qua các tiết học, em không chỉ được học kiến thức mà còn được giao lưu với các bạn nước ngoài bằng tiếng Anh, từ đó trau dồi thêm kỹ năng nghe nói. Bên cạnh đó, chúng em có thể giới thiệu được văn hóa Việt Nam mà cụ thể là văn hóa của Phú Thọ đến với bạn bè quốc tế. Thông qua các ứng dụng CNTT, học sinh chúng em thấy bộ môn Tiếng Anh không bị nhàm chán nữa mà thích thú học tập hơn, không ngần ngại khi giao tiếp bằng tiếng Anh với người nước ngoài", em Đinh Thị Lan Phương - Trường THPT Hương Cần (Phú Thọ) chia sẻ trên tờ Giáo dục và Thời đại.
Cô Phượng cùng học trò trong một lớp học "xuyên biên giới". Ảnh: NVCC
Ấn tượng với cách dạy của cô Phượng, em Hoàng Lương cho hay: "So với cách học truyền thống thì cách dạy tiếng Anh của cô Phượng đặc biệt hấp dẫn chúng em. Chắc không nhiều nơi học sinh được học tiếng Anh với nhiều bạn bè quốc tế và đặc biệt đọc Rap trong tiết học để khắc ghi kiến thức như khi học với cô Phượng".
Trong khi đó, thầy Phạm Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng trường THPT Hương Cần cho biết, từ khi cô giáo Hà Ánh Phượng về công tác thì việc dạy học tiếng Anh trong nhà trường đã có rất nhiều đổi mới và đổi mới lớn nhất, dễ thấy nhất là niềm yêu thích của các em học sinh với môn học, động viên được tinh thần học tập và sự say mê của các em, giúp kiến thức và kỹ năng tiếng Anh của học sinh cải thiện rõ rệt.
Cách làm của cô Phượng đã truyền cảm hứng không chỉ cho học sinh và cho cả các giáo viên. Cô không ngại sáng tạo và luôn tìm tòi, thử nghiệm cái mới, mang lại hiệu quả cao. Nhà trường đề cao nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong dạy học. Môn tiếng Anh của cô Hà Ánh Phượng luôn đi đầu, sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ các giáo viên bộ môn khác cùng hoàn thành nhiệm vụ giáo dục học sinh.
"Tôi vỡ oà hạnh phúc, khóc như một đứa trẻ lúc nửa đêm vì quá bất ngờ khi lọt tới kết quả top 10. Với tôi, đây không chỉ là niềm tự hào của cá nhân mà còn là màu cờ sắc áo Việt Nam. Danh hiệu này mang rất nhiều ý nghĩa. Đó là sự ghi nhận không chỉ với cá nhân tôi mà còn là sự ghi nhận với học sinh, giáo viên miền núi và nền giáo dục nước nhà. Tôi tự hào là giáo viên Việt Nam", cô giáo Hà Ánh Phượng chia sẻ.
Tháng 3/2020, cô Phượng là 1 trong 50 giáo viên góp mặt trong danh sách giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục, được Ban tổ chức giải thưởng Giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize) do Quỹ Varkey (Varkey Foudation) lựa chọn. Khi lọt top 50, cô Hà Ánh Phượng đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ gửi thư chúc mừng.
Cô Phượng còn tham gia vào việc dạy học trên truyền hình, hỗ trợ đồng nghiệp dạy học online trong thời điểm dịch COVID-19.
Được biết, Varkey Foundation là quỹ từ thiện toàn cầu, được hình thành năm 2010 bởi doanh nhân Ấn Độ Sunny Varkey, người sáng lập GEMS Education - đơn vị điều hành lớn nhất thế giới về các trường từ mẫu giáo đến lớp 12. Quỹ hướng tới mục tiêu xây dựng địa vị của giáo viên, tôn vinh nghề nghiệp, hướng đến một nền giáo dục chất lượng cho mọi trẻ em.
Giải thưởng giáo viên toàn cầu được Quỹ Varkey thành lập năm 2014. Mỗi năm, Ban tổ chức nhận được hàng chục nghìn hồ sơ đến từ nhiều quốc gia (năm 2019 là hơn 10.000, năm 2017 là 30.000, năm nay là 12.000). Từ top 10, một giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc sẽ được lựa chọn để nhận giải thưởng trị giá 1 triệu USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!