Thầy Nguyễn Đăng Tuyên giới thiệu về những ứng dụng Công nghệ thông tin trong việc dạy Lịch sử
Tuy thành lập chưa lâu và mới chỉ xoay quanh bài 20 "Xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc trong các thế kỉ X – XV" nhưng đến nay trên trang web đã có hàng trăm bài tập thiết kế poster lịch sử của học sinh và trở thành một thư viện thông tin thú vị.
Học sinh FPT đã quá quen với việc biến kiến thức thành những sản phẩm đồ hoạ sống động
Trang web được lập trên nền tảng Google Sites, Padlet. Tại đây, thầy giáo sẽ đưa ra những nhiệm vụ thiết kế poster về một chủ đề lịch sử cụ thể. Cùng là về thành tựu văn hoá Việt Nam ở thế kỉ X-XV, có nhiệm vụ tìm hiểu về lĩnh vực tôn giáo, tư tưởng; có nhiệm vụ lại nghiên cứu về lĩnh vực kiến trúc Phật giáo; Nho giáo; Đạo giáo… Thầy cũng gợi ý học sinh có thể sử dụng công cụ Canva để thiết kế poster, đưa ra những lời khuyên để có 1 poster đẹp mắt.
Sau khi nhận đề bài, học sinh làm bài tập theo nhóm hoặc cá nhân, tự nghiên cứu thông tin và trình bày đối tượng lịch sử bằng hình ảnh, bố cục riêng. Đến khi hoàn thành, học sinh tự đưa sản phẩm lên trang web.
Mỗi học sinh có 1 sản phẩm riêng tạo thành kho dữ liệu chung phong phú
Thầy Nguyễn Đăng Tuyên cho biết: "Trước khi lập website này, mình có trao đổi và nhờ sự giúp đỡ của vài người nhưng khi bắt tay làm thì đa phần là do mình tham khảo thông tin trên mạng và tự làm. Thời gian để mình tạo ra website này cũng chỉ trong một ngày nhưng vì không phải người chuyên công nghệ nên mình gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, website này đã có đầy đủ các nội dung cơ bản giúp học sinh dễ dàng sử dụng."
Bài tập lịch sử của các học sinh trên website được các bạn thể hiện qua poster sinh động. Những câu chuyện lịch sử trở nên hấp dẫn và thú vị hơn. Thông qua việc làm poster học sinh cũng rèn luyện khả năng nghiên cứu, chọn lọc thông tin, trình bày sao cho hấp dẫn.
Được biết, đối với học sinh THPT FPT, việc ứng dụng canva, padlet, photoshop… vào thực hành đã không còn xa lạ. Tuy nhiên ở những môn học khác, các bài tập này chỉ được đưa ra một cách riêng lẻ còn thầy Tuyên đã xây dựng thành một trang online, tạo thành một kho dữ liệu chung rất phong phú có tính tương tác và chia sẻ cao hơn.
"Khi sử dụng website học tập này, sự tương tác giữa giáo viên và học sinh sẽ được mở rộng hơn về không gian, thời gian; phụ huynh cũng có thể tham gia vào bài học của các con với nhiều vai trò như người hỗ trợ, bạn học..." – thầy Nguyễn Đăng Tuyên cho biết.
Bạn Đỗ Hoàng Sơn – học sinh lớp 10A4 THPT FPT chia sẻ: "Em thấy cách học sử kiểu này rất tốt và thú vị, chủ yếu là làm việc nhóm, nâng cao phương pháp tự học qua việc tự tìm hiểu thông tin. Việc làm bài tập kiểu mới này còn giúp các bạn có được cho mình kĩ năng tóm tắt bài sử dài thành một câu truyện dễ hiểu và dễ học hơn".
Thầy Nguyễn Đăng Tuyên thường xuyên nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy bộ môn Lịch sử. Trước khi xây dựng nên trang web này, thầy Tuyên đã từng gây bất ngờ khi hướng dẫn học sinh dùng Powtoon, Storyjumper tạo ra nhiều video đồ hoạ, sách truyện hấp dẫn phục vụ cho quá trình học tập của học sinh tại trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!