Học hành, thi cử thế nào khi bùng phát F0?

VTV Digital-Thứ hai, ngày 07/03/2022 13:29 GMT+7

VTV.vn - Số F0 tăng dần sau mỗi ngày đến lớp, đã trở thành áp lực không nhỏ cho ngành giáo dục.

Trường học ngoài học tốt, có thêm khẩu hiệu "chuyển trạng thái tốt"

Đến thời điểm này, thầy và trò trên cả nước đã cùng nhau đi được 2/3 chặng đường của 1 năm học, với nhiều cảm xúc. Cô trò biết nhau qua màn hình máy tính, chào nhau sau khẩu trang, học và thi học kỳ online. Rồi không ít giáo viên, học sinh và phụ huynh, lại trở thành F0, với nhiều lo âu. Chỉ còn vài tháng nữa thôi là kết thúc năm học theo thường lệ. Việc dạy học và thi cử, đặc biệt là những khối lớp cuối cấp sẽ thế nào, khi những ngày này dịch bệnh vẫn còn đang căng thẳng ở nhiều địa phương.

Hàng loạt trường học Hà Nội phải chuyển sang học trực tuyến từ ngày hôm nay (7/3). Tại Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có thông báo gửi các Trưởng phòng Giáo dục đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn, hướng dẫn việc cho học sinh đến trường.

Theo đó, từ sáng hôm nay, những xã phường nào có mức độ dịch cấp độ 3 tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến. Được biết, theo đánh giá cấp độ dịch mới nhất của Hà Nội, hiện có 326 xã, phường, thị trấn có cấp độ dịch mức 3. Trong đó đáng chú ý có huyện Sóc Sơn, Thường Tín, Chương Mỹ hay Đông Anh và Quốc Oai.

Học hành, thi cử thế nào khi bùng phát F0? - Ảnh 1.

Đi qua những đợt sóng F0 là một trải nghiệm chưa từng có với tất cả giáo viên và học sinh trong giai đoạn này.

Học kỳ 2 bắt đầu với sự tính toán thật cẩn thận và cân nhắc, của các cơ quan chức năng, nhằm giảm thiểu mọi ảnh hưởng dịch bệnh, để hoạt động dạy và học trở về đúng nghĩa vốn có. Nhưng con số F0 cứ tăng dần sau mỗi ngày đến lớp, đã trở thành áp lực không nhỏ cho ngành giáo dục. Hàng loạt trường học ở Hà Nội tìm cách ứng phó: vừa dạy học vừa trực tiếp vừa trực tuyến trong những ngày qua.

Tại huyện Ba Vì - vùng ngoại thành còn nhiều khó khăn của Thủ đô, có những lớp học phải chuyển trạng thái liên tục. Nhà trường phải ưu tiên cho khối 9 vì là cuối cấp. Các em F0, F1 của lớp này buộc phải học thời khóa biểu của lớp kia để theo kịp chương trình

Thay đổi là điều không ai mong muốn trong hoàn cảnh dịch bệnh này. Trường học, ngoài học tốt, dạy tốt bây giờ có thêm khẩu hiệu: chuyển trạng thái tốt.

Những lớp học thưa dần, còn thời gian ôn tập và thi cử không chờ đợi ai. 13/31 trường THCS ở huyện Ba Vì, Hà Nội đã phải chuyển hẳn sang dạy học online khi dịch bệnh leo thang về con số. Buổi học chỉ vừa kết thúc đã có thông báo là ban giám hiệu cùng một số giáo viên nhiễm bệnh. Trường học buộc phải đóng cửa, chuyển sang dạy trực tuyến.

Có thể lùi năm học đến giữa hè hoặc cuối hè

Đi qua những đợt sóng F0 là một trải nghiệm chưa từng có với tất cả giáo viên và học sinh trong giai đoạn này.

Tại Thanh Hóa, đây là một trong số ít tỉnh, tính đến thời điểm hiện tại đã mở cửa 100% trường học. Tỉnh đã chủ động duy trì 2 phương án dạy học: trực tuyến và học trực tiếp. Các phương án dạy và học được áp dụng linh hoạt, tùy vào tình hình cụ thể của từng lớp, từng trường, từng địa phương. Dù tình hình dịch bệnh còn phức tạp nhưng các nhà trường trên địa bàn tỉnh vẫn đang cố gắng, nỗ lực nhằm đảm bảo chất lượng học tập, mục tiêu năm học cũng như an toàn cho học sinh, giáo viên khi đến trường.

Biện pháp đảm bảo phòng chống dịch được triển khai kịp thời, đồng bộ, thế nhưng số học sinh, giáo viên mắc COVID-19 trong trường học vẫn tăng từng ngày. Mỗi ngày TP Thanh Hóa ghi nhận hàng trăm ca F0 trong trường học nên việc linh hoạt giữa dạy và học được các nhà trường đặt lên hàng đầu. Không cố định buổi học trực tiếp hay trực tuyến, thời khóa biểu các lớp sẽ được cập nhật sau 17h hàng ngày, thậm chí có thể muộn hơn theo diễn biến của dịch bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND TP Thanh Hóa đã đưa ra tiêu chí để các nhà trường quyết định việc chuyển từ dạy học trực tiếp sang học trực tuyến theo từng lớp học. Cụ thể, đối với bậc mầm non và tiểu học, nếu mỗi lớp có dưới 10 học sinh là F0 vẫn học trực tiếp, còn từ 10 F0 trở lên chuyển sang học trực tuyến. Đối với bậc THCS và THPT, nếu mỗi lớp có 1/3 học sinh là F0 trở xuống vẫn học trực tiếp, trên 1/3 học sinh học trực tuyến. Giáo viên cũng theo đó linh hoạt bổ sung kiến thức cho các em khi tình hình sức khỏe có dấu hiệu khả quan.

Với tinh thần "sống chung" an toàn với COVID-19, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã "trao quyền" tự quyết cho các nhà trường dựa trên cơ sở tình hình thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền để phụ huynh hiểu đúng về dịch bệnh và cùng phối hợp trong chuẩn bị, xử lý tình huống phát sinh một cách phù hợp.

Dù nỗ lực mở cửa trường nhưng dịch bệnh trong trường học tăng đã khiến kế hoạch dạy học phải thay đổi liên tục, dẫn đến việc thi cử và khung thời gian năm học cũng phải có nhiều kịch bản khác nhau. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thông thường cuối tháng 5 kết thúc năm học nhưng trong tình hình dịch, tùy tình hình, các địa phương có thể lùi năm học đến giữa hè hoặc cuối hè. Nhất là lớp 1, lớp 2 có thêm thời gian bù đắp khoảng trống về kiến thức và kỹ năng, do trước đó phải thực hiện năm học bằng hình thức trực tuyến, qua truyền hình trong điều kiện dịch bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước