Trình bày tờ trình, ông Lê Anh Quân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội cho biết, tổng số dự án trình phê duyệt chủ trương đầu tư là 8 dự án nhóm B với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.377 tỷ đồng.
Trong đó, 1 dự án nhóm B sử dụng ngân sách cấp TP với tổng mức đầu tư dự kiến 191 tỷ đồng thực hiện hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 và 7 dự án nhóm B với tổng mức đầu tư dự kiến 1.186 tỷ đồng, thực hiện trong 2 giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030.
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT, các dự án được đề xuất phê duyệt chủ trương thuộc ngân sách TP bao gồm:
Dự án xây dựng trường phổ thông nhiều cấp học, tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao huyện Gia Lâm, với tổng mức đầu tư dự kiến 693 tỷ đồng.
Dự án chỉnh trang mặt bằng do Bộ Quốc phòng và hai hộ gia đình lão thành cách mạng bàn giao - giai đoạn II, với tổng mức đầu tư dự kiến 118 tỷ đồng.
3 dự án nhóm B với tổng mức đầu tư dự kiến 171 tỷ đồng, nhu cầu kế hoạch vốn trung hạn 5 năm 2021 - 2025 dự kiến 106 tỷ đồng.
Dự án cải tạo, nâng cấp trụ sở UBND TP Hà Nội với tổng mức đầu tư dự kiến 191 tỷ đồng.
Dự án đầu tư giai đoạn 2 Trường Trung cấp Nghề Tổng hợp Hà Nội, với tổng mức đầu tư dự kiến 79 tỷ đồng.
Dự án nhóm B với tổng mức đầu tư dự kiến là 125 tỷ đồng, sử dụng ngân sách huyện Hoài Đức.
Liên quan đến dự án xây dựng trường phổ thông nhiều cấp học, tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao tại huyện Gia Lâm, báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội cho biết, trên địa bàn huyện Gia Lâm sĩ số học sinh cơ bản đảm bảo theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ông Trần Thế Cương trình bày Tờ trình tại Kỳ họp
Cụ thể, huyện Gia Lâm có 28 trường tiểu học (trung bình 40 học sinh/lớp, theo quy định 35 học sinh/lớp), có 24 trường THCS (trung bình 42 học sinh/lớp, theo quy định 45 học sinh/lớp), có 11 trường THPT (trung bình 43 học sinh/lớp, theo quy định 45 học sinh/lớp) trong khi chỉ số này tại các khu vực quận nội thành khá cao.
Do vậy, Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị, TP đánh giá dự báo nhu cầu người học tại khu vực này khi xây dựng trường và xem xét nghiên cứu quy mô đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả dự án và tiết kiệm nguồn lực.
Bên cạnh đó, Ban Văn hóa - Xã hội cũng đề nghị, UBND TP làm rõ sự phù hợp với định hướng mạng lưới trường học trên địa bàn huyện và TP, đảm bảo sự cần thiết, tính khả thi…
TP cần rà soát các dự án đang và sẽ triển khai trong giai đoạn 2021-2025, sắp xếp, lựa chọn các dự án ưu tiên trình phê duyệt chủ trương đầu tư đảm bảo đúng quy định.
Báo cáo giải trình, UBND TP cho biết, đến năm 2030, huyện Gia Lâm cần đầu tư bổ sung phòng học cho 98 lớp tiểu học, 21 lớp THCS và 101 lớp THPT.
Do đó, UBND huyện Gia Lâm đề xuất quy mô đào tạo trường phổ thông nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao với 2.160 học sinh, 20 lớp bậc tiểu học, 24 lớp THCS, 24 lớp THPT nhằm đáp ứng nhu cầu, chỗ học cho học sinh và không vượt mức quy định tại Quyết định số 5648/QĐ-UBND ngày 6/11/2023 của UBND TP là cơ bản phù hợp.
Tuy nhiên, UBND TP cũng cho rằng, mô hình trường phổ thông nhiều cấp học, tiên tiến hiện đại, chất lượng đại học sau khi thành lập sẽ tiến tới là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên.
Vì vậy, tại giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm tiếp tục điều tra, khảo sát nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn đối với mô hình đào tạo này, để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả đầu tư của dự án.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!