Trường công lập quá tải học sinh
Năm học này chưa kết thúc nhưng chuyện tuyển sinh vào năm tới tại Hà Nội đã nóng lên. Số lượng học sinh vào các cấp đều tăng mạnh. Học sinh vào lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm nay là hơn 446.000 em. So với năm 2022, số học sinh tăng thêm tới gần 51.000 học sinh.
Quá tải trường học vốn là chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi nhưng nói đến thế mà chuyện này vẫn cứ diễn ra. Điều đó cho thấy sự báo động về trách nhiệm khi ngay giữa thủ đô, giáo dục đang quá khổ vì trường học quá tải.
Trường Tiểu học Trung Yên, quận Cầu Giấy là trường chuẩn quốc gia nhưng sĩ số còn lâu mới đạt chuẩn. Theo quy định, một lớp tối đa là 35 em nhưng có lớp tại đây lên đến 56. Còn tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, vì quá đông nên mỗi giờ thể dục, chỉ một nửa số em có cơ hội xuống sân trường.
Quá tải học sinh khiến áp lực lên các nhà trường càng lớn hơn khi phải thực hiện nhiều yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhưng đỉnh điểm của sự quá tải là Trường tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, buộc phải cho học sinh nghỉ luân phiên.
Nhà anh Hiệu có 2 con. Cậu bé lớp 3 nghỉ ngày thứ 4, thứ 7 đến trường. Còn anh trai lớp 4 thì nghỉ ngày thứ 5, thứ 6, thứ 7 đi học. Đã 2 năm nay như thế, gia đình căng thẳng vì mọi sinh hoạt đảo lộn.
Năm nay, số học sinh thi vào lớp 10 cũng tăng thêm 1.000 em so với năm 2022. Các trường công lập chỉ có thể đáp ứng 55,7% nhu cầu thí sinh. Số còn lại sẽ phải học các trường dân lập hoặc học nghề.
Nỗ lực đảm bảo đủ trường công lập
Trường công lập quá tải một phần bởi tốc độ đô thị hóa nhanh của Thủ đô. Theo quy định, 1 xã, phường có quy mô 3.000 - 5.000 dân phải có ít nhất 1 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập. Thế nhưng hiện nay, có những phường có tới hàng chục tòa chung cư, khu đô thị, quy mô hàng chục nghìn dân liên tục mọc lên. Trong khi đó, trường công lập không được xây mới để đáp ứng quy mô dân số này.
Khu đô thị Thanh Hà hiện có gần 8.000 người, theo dự kiến sẽ lên tới 32.000. Người dân về sinh sống đã 8 năm nhưng không có một trường công lập nào. Con đường tự phát mới hoàn thành để con em họ sang học trường gần đó của quận Hà Đông bởi con đường chính đi học tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai, sau 20 năm hình thành, khu này đã có tới 30 tòa chung cư nhưng đến giờ cũng chưa có bất cứ một trường công lập nào. Tại nhiều khu đô thị lớn của Hà Nội hiện nay, trường công lập không có nhưng lại mọc lên nhiều trường dân lập. Việc này giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước nhưng lại dồn gánh nặng chi trả lên người dân.
Mỗi năm, Hà Nội lại có thêm khoảng 40.000 - 50.000 học sinh, đồng nghĩa cần thêm ít nhất 20 trường công lập. Thành phố đã nhìn thấy trách nhiệm phải đảm bảo đủ trường học công lập. Theo Nghị quyết 02 của HĐND Thành phố, Hà Nội dự kiến xây dựng mới 139 trường.
Gần nửa thế kỷ trước, những khu tập thể như Kim Liên, Thanh Xuân Bắc, Thành Công... ra đời. Dù trong điều kiện khó khăn nhưng hệ thống trường học được xây dựng đầy đủ từ mầm non, tiểu học, THCS.
Hà Nội hôm nay phát triển hơn, tiềm lực kinh tế mạnh hơn nên không có lý gì để học sinh cứ quá khổ vì trường lớp quá tải.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!