Hà Nội đề xuất tiếp tục thí điểm đào tạo song bằng

Khánh Nguyễn (t/h)-Thứ sáu, ngày 05/04/2024 06:45 GMT+7

VTV.vn - Hà Nội hiện có 8 trường phổ thông triển khai thí điểm chương trình đào tạo song bằng.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương bày tỏ mong muốn Ủy ban Nhân dân thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tạo điều kiện thực hiện thí điểm mô hình song bằng.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ triển khai các bước thủ tục xin phép các cấp thẩm quyền thông qua việc tiếp tục triển khai Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài Trung học phổ thông quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ Alevel) với những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn một được giải quyết, tháo gỡ.

Đây là thông tin được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết tại Hội thảo về công tác triển khai Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng cấp Trung học cơ sở và cấp Trung học phổ thông giai đoạn từ năm học 2017-2018 đến năm học 2023-2024.

Hà Nội triển khai Đề án thí điểm đào tạo song chương trình đào tạo song bằng tú tài Trung học phổ thông quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An từ năm học 2017-2018 và ở cả hai cấp học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam từ năm học 2018-2019; triển khai chương trình đào tạo song bằng Trung học cơ sở Việt Nam và chứng chỉ IGCSE tại 6 trường Trung học cơ sở, thời gian thí điểm là 3 năm.

Sau khi hết thời gian thí điểm, để có sự liên thông từ cấp Trung học cơ sở lên Trung học phổ thông, Hà Nội tiếp tục kéo dài thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài Trung học phổ thông quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An và Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam cho đến khi học sinh học hệ song bằng ở Trung học cơ sở học đến lớp 12 (vào năm học 2026-2027).

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, sau 7 năm triển khai chương trình thí điểm song bằng, ngành giáo dục Thủ đô đã thực hiện có kết quả chủ trương lớn của thành phố, tạo ra được một mô hình giáo dục mới mang tính quốc tế, đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh theo hướng phát triển của thời đại, góp phần nâng tầm giáo dục Thủ đô ngày càng hòa nhập sâu rộng với môi trường giáo dục quốc tế, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa và thành tựu khoa học, công nghệ của nhân loại.

Kết quả tổng kết đề án đã cho thấy hiệu quả của một mô hình giáo dục mới. Tính đến hết tháng 5/2023, đã có 246 học sinh Trung học phổ thông hoàn thành Chương trình song bằng và thi lấy chứng chỉ A-Level, có 891 học sinh Trung học cơ sở tham gia Chương trình song bằng. Tỷ lệ học sinh đạt điểm A* và A cấp Trung học phổ thông cao hơn tỷ lệ trung bình của thế giới, 100% học sinh đạt học lực giỏi và hạnh kiểm tốt, có kỹ năng xã hội tốt, năng động và có năng lực tốt về ngoại ngữ và tin học. Nhiều học sinh là thành viên nòng cốt tham gia các kỳ thi học sinh giỏi và đã đạt 62 giải quốc gia, 102 giải quốc tế.

Đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy chương trình song bằng đã không ngừng lớn mạnh với 50 giáo viên nước ngoài, 63 giáo viên Việt Nam ở cấp Trung học cơ sở; 7 giáo viên nước ngoài và 14 giáo viên Việt Nam ở cấp Trung học phổ thông. Ở các trường đã dần hình thành đội ngũ quản lý, giáo viên Việt Nam có thể đảm nhận các công tác điều phối, giảng dạy chương trình A-level.

Hà Nội đề xuất tiếp tục thí điểm đào tạo song bằng  - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hà Nội mới.

Bên cạnh các kết quả tích cực, mô hình vẫn còn một số hạn chế như học sinh phải có lịch học khá dày, lượng bài tập lớn khi phải học đồng thời hai chương trình.

Về nhân sự, đội ngũ giáo viên của các trường chưa đủ kinh nghiệm để đảm nhiệm toàn bộ công tác giảng dạy chương trình song bằng nên việc giảng dạy phụ thuộc hoàn toàn ở đội ngũ giáo viên là người nước ngoài hoặc giảng viên ở các trường đại học đã ký hợp đồng. Nhân sự phụ trách hệ thống như về tài chính, thư viện, cán bộ hỗ trợ thí nghiệm của trường không thông thạo ngoại ngữ, lần đầu tiếp cận chương trình quốc tế nên còn gặp trở ngại trong quá trình thực hiện các yêu cầu chuẩn mực của chương trình quốc tế. Bên cạnh đó là khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị ủy ban nhân dân thành phố tạo điều kiện phê duyệt, xem xét tổ chức nghiệm thu, tổng kết, đánh giá đề án nhằm ghi nhận kết quả đã đạt được và chỉ đạo việc thực hiện cho giai đoạn tiếp theo đồng thời xem xét, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho vấn đề nhân sự, cơ sở vật chất và tài chính.

Theo đó, về nhân sự, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị thành phố cho phép các trường được tuyển nhân sự hợp đồng có đủ trình độ ngoại ngữ để giao dịch và cập nhật công việc đảm bảo hoạt động của trường thành viên và thực hiện các kỳ thi thường niên; có kế hoạch đảm bảo yếu tố then chốt là nguồn giáo viên giảng dạy các môn học thuộc chương trình quốc tế về số lượng và chất lượng.

Cụ thể là tiếp tục đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy và tham gia ban điều phối chương trình song bằng; có cơ chế tuyển dụng giáo viên Việt Nam các môn Toán, Lý, Hoá, Tin học từ nguồn sinh viên tốt nghiệp lớp chất lượng cao của trường đại học sư phạm hoặc từ các cán bộ khoa học, lưu học sinh có thời gian tu nghiệp ở nước ngoài (châu Âu và châu Mỹ) về giảng dạy cho hệ song bằng, tránh việc quá phụ thuộc vào giáo viên nước ngoài; có chính sách hỗ trợ giáo viên học tiếng Anh, phương pháp giảng dạy để đạt chuẩn quốc tế.

Về cơ sở vật chất, cho phép Trường Trung học phổ thông Chu Văn An và Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam được trùng tu, cải tạo, nâng cấp. Về tài chính, đề nghị Uỷ ban Nhân dân thành phố cho phép tiếp tục thu mức học phí theo đề án đã ban hành.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước