Bắt đầu từ năm học 2016-2017, Hà Nội triển khai đại trà bắt buộc tại 100% các trường THPT (công lập và ngoài công lập) trên địa bàn thành phố Hà Nội với hình thức mỗi trường có ít nhất 2 lớp 10 dạy sách giáo khoa (SGK) theo chương trình mới, những lớp 10 còn lại tiếp tục dạy học theo SGK hiện hành.
Những lớp 11 và 12 phải được tiếp tục dạy học lên theo đúng chương trình SGK. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo SGK tiếng Anh mới lớp 10 và 11 diễn ra sáng 16/8 do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức.
Ngoài ra, từ năm học 2017-2018, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai tại 100% các trường THPT (công lập và ngoài công lập) trên địa bàn thành phố Hà Nội với hình thức mỗi trường có ít nhất 3 lớp 10 SGK theo chương trình mới. Những lớp 11 và 12 phải được tiếp tục dạy học lên theo đúng chương trình SGK.
Từ năm học 2016-2020 triển khai 100% số lớp 10 trong các trường THPT (công lập và ngoài công lập) trên địa bàn thành phố Hà Nội được học SGK tiếng Anh chương trình mới và học nối tiếp chương trình đến lớp 12.
Ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, theo chương trình giảng dạy tiếng Anh SGK mới, học sinh sẽ học tối thiểu 3 tiết/tuần với các chủ điểm, chủ đề quen thuộc, gần gũi với học sinh; quan tâm đầy đủ 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết với định hướng phát triển toàn diện các kỹ năng ngôn ngữ; tạo hứng thú học tập cho học sinh và đánh giá học sinh theo kết quả tốt nghiệp.
Bìa cuốn sách giáo khoa tiếng Anh lớp 10 mới sẽ được giảng dạy trong năm học 2016-2017
Để phát huy những điểm mạnh của SGK tiếng Anh theo chương trình mới, giáo viên cần vận dụng linh hoạt nội dung trong SGK, tăng cường sử dụng các thiết bị trong dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giáo án và trong giảng dạy nhằm giúp học sinh sử dụng hiệu quả các kênh hình ảnh, âm thanh đa phương tiện kết hợp hài hòa với các phương pháp truyền thống để tiếp thu kiến thức và luyện tập các kỹ năng đảm bảo chất lượng giáo dục.
Các trường học cần phải đảm bảo đủ thiết bị dạy học tối thiểu (Đài, máy chiếu, màn chiếu cho giáo viên tiếng Anh) tổ chức dạy học đạt chất lượng cả 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết.
Ngoài SGK, giáo viên có thể sử dụng các tài liệu khác để bổ trợ cho bài giảng dựa trên các tiêu chí quy định trong chương trình khung do Bộ GD-ĐT ban hành nhưng phải lưu ý dạy hết kiến thức trong SGK theo quy định trước khi bổ sung tài liệu bổ trợ. Không được tự ý dùng tài liệu bổ trợ để thay thế SGK.
Theo ông Chử Xuân Dũng, để đảm bảo kết quả học tập của học sinh đáp ứng yêu cầu về định hướng, mục tiêu, nội dung đầu ra của chương trình tiếng Anh cấp THPT, việc đánh giá học sinh phải đầy đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và kiến thức ngôn ngữ.
Các trường THPT phải kiểm tra định kỳ (45 phút) là bài kiểm tra tích hợp các kỹ năng trên. Bài kiểm tra phải có ít nhất 2 dạng câu hỏi cho mỗi kỹ năng với định hướng đánh giá năng lực ngôn ngữ toàn diện của học sinh. Tỷ lệ thành phần trong bài thi đảm bảo chênh lệch không quá 5% giữa các kỹ năng. Số lượng câu hỏi mỗi bài kiểm tra từ 30 đến 50 căn cứ mức độ yêu cầu và độ khó của các câu hỏi.
Giáo viên căn cứ kế hoạch dạy học và chương trình chi tiết đã được phê duyệt lựa chọn thời điểm phù hợp để tiến hành kiểm tra định kỳ cho học sinh. Cần lưu ý không tổ chức kiểm tra định kỳ quá sớm, quá muộn hoặc quá sát nhau trong học kỳ.
Bài kiểm tra học kỳ dành cho các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và có từ 35 đến 60 câu hỏi. Căn cứ điều kiện cơ sở vật chất, tổ bộ môn thống nhất trong tổ, có thể tổ chức kiểm tra kỹ năng nói trong cùng buổi thi hoặc khác buổi thi, hoặc lấy điểm kiểm tra nói trên lớp với tỷ trọng điểm số của kỹ năng chiếm từ 20 đến 30% của kết quả toàn bài thi học kỳ.