Ảnh minh hoạ.
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 285-KH/TU triển khai thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Mục đích của Kế hoạch nhằm phổ biến, quán triệt, thực hiện hiệu quả, toàn diện các nội dung tại Kết luận số 91-KL/TW; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đơn vị và cả hệ thống chính trị TP để tạo sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả thực hiện đổi mới, căn bản, toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, Thủ đô trong giai đoạn mới.
Nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Kế hoạch số 285-KH/TU của Thành ủy Hà Nội nêu 8 nhiệm vụ, giải pháp cơ bản.
Nhiệm vụ đầu tiên là tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm coi GD&ĐT là "quốc sách hàng đầu", là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho GD&ĐT là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; phát huy vai trò của các cấp ủy cơ sở giáo dục, đào tạo trong lãnh đạo, thực hiện các mục tiêu phát triển GD&ĐT.
Các nhiệm vụ, giải pháp khác cũng được nêu rõ tại Kế hoạch, như: tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi phát triển sự nghiệp GD&ĐT Thủ đô; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Đồng thời tập trung đầu tư hiện đại hóa giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa là tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời; phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Đặc biệt, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển GD&ĐT, ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong GD&ĐT đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!