Bậc THPT có nhiều thay đổi nhất
Thông tin về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đặc biệt là vấn đề sách giáo khoa mới, đang được dư luận hết sức quan tâm.
Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - Tổng Chủ biên Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, điểm mới nhất trong chương trình sách giáo khoa dự kiến đưa vào triển khai từ năm học 2018-2019 so với chương trình sách giáo khoa hiện hành chính là việc định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh.
"Theo Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa thì chương trình này sẽ theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh. Từ yêu cầu này, sẽ định hướng lại nội dung học tại các nhà trường. Và điểm thay đổi mới nhất sẽ là bậc THPT", GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyế cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tác động nhiều nhất đến bậc THPT
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định, ngoài Ban xây dựng dự thảo chương trình phổ thông tổng thể do ông làm Tổng Chủ biên, đích thân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trực tiếp chỉ đạo, cùng với Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đồng hành trong suốt quá trình xây dựng dựng dự thảo chương trình này cũng như khi áp dụng tại các trường.
Nói cụ thể về điểm mới nhất tại bậc THPT, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ, lớp 10 là lớp dự hướng giúp học sinh có sự chuẩn bị nhất định về định hướng nghề nghiệp. Khi học sinh lên lớp 11, 12, chương trình phải bảo đảm học sinh được tiếp cận nghề nghiệp theo đúng tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội.
"Nếu học dàn trải 14, 15 môn như hiện nay sẽ vừa quá tải lại không đảm bảo cho học sinh học sâu để định hướng nghề nghiệp tương lai. Do đó, ở lớp 11 và 12, ngoài một số môn bắt buộc như Giáo dục quốc phòng, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo thì các môn còn lại sẽ được học sinh tự chọn 5 môn sao cho phù hợp định hướng nghề nghiệp của mình.
Theo dự thảo chương trình, ngoài các môn học bắt buộc, học sinh bậc THPT sẽ tự chọn tối thiẻu 5 môn học và lựa chọn CLB thể thao để tham gia.
Ngoại trừ Ngoại ngữ, các môn Giáo dục quốc phòng, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là các hoạt động thực tế. Ví dụ, Giáo dục thể chất được tổ chức dưới dạng CLB thể thao tự chọn phù hợp với nguyện vọng và sở thích, khả năng của bản thân mỗi học sinh", GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết.
Áp dụng 2 phương pháp trong quá trình xây dựng chương trình mới
"So với chương trình hiện hành, chúng tôi kế thừa nhiều yếu tố khi xây dựng chương trình mới. Trên thực tế, định hướng phát triển năng lực đã có trong chương trình hiện hành. Chỉ có điều người thực hiện lại chưa thực hiện, thể hiện được. Lần này, chúng tôi cố gắng có cách làm mới để thể hiện yêu tố chương trình", GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đánh giá và nêu rõ hai phương pháp xây dựng chương trình mới.
Phương pháp thứ nhất mà GS.TS Nguyễn Minh Thuyết và Ban xây dựng chương trình áp dụng là phương pháp sơ đồ ngược. Đây cũng là phương pháp được các chuyên gia xây dựng chương trình quốc tế khuyến nghị Việt Nam áp dụng.
"Nếu như chúng ta xây dựng chương trình theo định hướng nội dung, đầu tiên cần xác định nội dung cần dạy. Căn cứ vào nội dung kiến thức phù hợp với môn học ấy và xác định, lọc ra những gì cần dạy cho bậc Tiểu học, THCS, THPT. Sau đó, mới bàn phương pháp dạy học và phương pháp đánh giá. Nhưng theo phương pháp sơ đồ ngược, đầu tiên phải xác định được nhu cầu đào tạo nhân lực của đất nước, mục tiêu giáo dục phổ thông, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực cho học sinh, tức là chuẩn đầu ra. Trên cơ sở yêu cầu cần đạt ấy sẽ xác định nội dung dạy học và sau đó xây dựng bàn phương pháp dạy học và phương pháp đánh giá".
Ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông sử dụng 2 biện pháp trong quá trình xây dựng dự thảo.
"Phương pháp thứ hai là Ban xây dựng chương trình coi giáo dục phổ thông là một chính sách, và giáo dục phổ thông phải được xây dựng theo đúng quy trình ban hành chính sách, nghĩa là phải có đánh giá tác động. Chúng tôi đang chuẩn bị kế hoạch dài hạn để đến các trường THPT khảo sát, đánh giá tác động. Ngay trong quá trình xây dựng chương trình, bất kỳ điểm nào mới so với chương trình hiện hành thì đều phải được đánh giá, kiểm định thực tế xem tác động như thế nào tới cuộc sống, giáo viên, học sinh, ngân sách... Chúng tôi cũng soạn thử một số bài mới có nội dung mới, phương pháp mới để thực hiện vào tháng 4 và 5 tới", GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ về phương pháp thứ hai đã được áp dụng khi xây dựng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Khi chương trình mới được ban hành, việc triển khai từ năm học 2018-2019 sẽ theo phương pháp "cuốn chiếu" thay vì triển khai đồng loạt, và có thể bắt đầu từ lớp 1, 6, 10 hoặc từ lớp 1, 6 hoặc từ lớp 1 tùy vào tình hình thực tế.
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cần 3 điều kiện đi kèm
Trong bản dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, theo thông tin sơ bộ, nhiều điểm mới và thậm chí có nhiều điểm được đánh giá cao. Tuy nhiên, đây mới chỉ là "điều kiện cần". Để chương trình đi vào thực tế, cần một số "điều kiện đủ" khác và cần sự phối hợp, hỗ trợ. Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, có 3 điều kiện đi kèm đó là về giáo viên, trang thiết bị, cơ sở vật chất nhà trường,
Điều kiện giáo viên thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. Hiện Bộ GD&ĐT đã có dự án đi kèm về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giáo viên. Các trường sư phạm cũng đã và đang khởi động, đổi mới chương trình đào tạo sư phạm phục vụ cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đưa ra 3 điều kiện đi kèm để chương trình giáo dục phổ thông có thể đi vào thực tế.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm: "Chính bản thân chúng tôi ở Ban phát triển chương trình giao nhiệm vụ sau khi hoàn thành phải viết tài liệu gửi giáo viên. Trong dự án hỗ trợ về giáo dục phổ thông có cả nội dung xây dựng trang website hỗ trợ bồi dưỡng giáo viên. Theo đó, giáo viên cần dành thời gian sau giờ lên lớp để vào website bổ túc kiến thức".
Về điều kiện trang thiết bị, hiện đang kế thừa theo chương trình hiện hành nhưng theo dự thảo thì chắc chắn sẽ có thay đổi. Việc sản xuất trang thiết bị đang chờ chương trình hoàn thành, hoặc bản thảo đầu tiên về sách giáo khoa được ban hành trên cơ sở đó mới sản xuất trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy và học theo chương trình mới.
Điều kiện về cơ sở vật chất của trường học vừa là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, vừa thuộc về cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương về giáo dục đào tạo; đồng thời cũng là trách nhiệm chính của địa phương.
Chương trình Tiểu học mới yêu cầu học sinh phải học 2 buổi/ngày. Theo thống kê, 47% trường tiểu học trên cả nước có thể học 10 buổi/tuần. Tuy nhiên, hơn 30% các trường tiểu học chỉ đáp ứng được 6 buổi/tuần. Còn lại, hơn 20% các trường không bố trí được việc dạy và học hơn 5 buổi/tuần.
"Ngay ở Hà Nội, học sinh còn phải học luân phiên, khối lớp 1 đi học thì khối lớp 2 ở nhà, không thể bố trí học nổi 6 buổi/tuần", GS.TS Nguyễn Minh Thuyết băn khoăn và đưa ra kiến nghị với Bộ GD&ĐT, Chính phủ, các địa phương để cùng giải quyết vấn đề này.
Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông, các môn học bắt buộc ở cấp tiểu học gồm: Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Kỹ thuật và Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. (11 môn). Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số.
Ở cấp trung học cơ sở, các môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. (11 môn). Môn học tự chọn là Ngoại ngữ 2.
Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, lớp 10 bao gồm các môn học bắt buộc là: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Thiết kế và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. (15 môn). Môn học tự chọn: Ngoại ngữ 2.
Lớp 11 và lớp 12, các môn học chung (bắt buộc) bao gồm: Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học định hướng nghề nghiệp (tự chọn bắt buộc): Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc. (14 môn). Học sinh tự chọn tối thiểu 5 môn học trong các môn nói trên phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!