Gợi ý giải đề môn thi Ngữ văn THPT Quốc gia 2017

Minh Đức-Thứ năm, ngày 22/06/2017 12:01 GMT+7

VTV.vn - Phần lớn, các thí sinh đều nhận thấy đề thi môn Ngữ Văn năm nay không quá khó, dễ lấy được điểm cao. Dưới đây là bài giải gợi ý đề thi môn Ngữ Văn để thí sinh tham khảo.

Thầy Vũ Thanh Hòa - giảng viên trường THPT Thăng Long (Hà Nội) nhận xét đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm nay tương đối cơ bản, kiến thức đưa không quá hàn lâm và có phần gần gũi với đời sống. Đề thi năm nay có sự liên kết chặt chẽ giữa phần đọc hiểu và nghị luận xã hội.

Gợi ý giải đề môn Ngữ văn - Kỳ thi THPT Quốc gia 2017:

Phần I: Đọc hiểu

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính là Phương thức nghị luận.

Câu 2: Theo tác giả, thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ. Thấu cảm chính là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét.

Câu 3: Hành động của những nhân vật như đứa bé 3 buổi, cô gái có bạn bị ốm, cậu bé Bồ Đào Nha được nhắc đến trong đoạn trích dẫn đã thể hiện được sự thấu cảm và lòng trắc ẩn. Những hành động của các nhân vật có trong đoạn trích đã thể hiện được lòng yêu thương, thấu hiểu, đồng cảm của con người đối với hoàn cảnh trong cuộc sống.

Ba câu chuyện ngắn nho nhỏ cũng chính là những lát cắt, khoảnh khắc trong cuộc sống được nhìn bằng đôi mắt thấy cảm và yêu thương. Đây là những tình cảm tốt đẹp, đầy tính nhân văn đáng được tôn trọng.

Câu 4: Ý kiến "Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấy cảm" là đúng, đây là suy nghĩ rất sâu sắc và nhân văn.

- Sự thấu cảm là khả năng đồng cảm, thẩu hiểu, cảm thông đối với người khác, đặt cá nhân mình vào vị thế của người khác để hiểu sâu sắc tình cảm, hành động của người đó.

- Khi có được sự thấu cảm, bản thân chúng ta sẽ muốn được chia sẻ từ niềm vui đến nỗi buồn với người đó, đây chính là lòng trắc ẩn.

- Sự cảm thông, yêu thương với hoàn cảnh của người khác cũng chính là biểu hiện của lòng nhân ái, sự trắc ẩn.

Phần II: Làm văn

Câu 1: Nghị luận xã hội.

- Yêu cầu hình thức: Bài nghị luận xã hội hoàn chỉnh, đủ ý, logic, vận dụng tốt các thao tác lập luận; lý lẽ và dẫn chứng. Số lượng chữ phù hợp. Bài viết thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

- Yêu cầu nội dung:

+ Định hướng đúng vấn đề cần nghị luận: "Ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống".

+ Triển khai vấn đề nghị luận:

- Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận.

- Giải thích: Thấu cảm là khả năng nhìn nhận thế giới bằng con mắt của người khác, là sự thấu hiểu, cảm thông trọn vẹn.

- Bàn luận: Sự thấu cảm có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống như thế nào.

+ Sự thấu cảm là cội nguồn của lòng trắc ẩn, của tình yêu thương, giúp con người biết cảm thông và chia sẻ với niềm vui, nỗi buồn; vị tha với lỗi lầm của người khác. Sự thấu cảm có thể mang lại sức mạnh kỳ diệu làm thay đổi con người, hướng con người tới sự hoàn thiện nhân cách (Đưa ra ví dụ thực tế, dẫn chứng).

+ Nâng cao vấn đề bằng cách phê phán những người sống thờ ơ, dửng dưng, lạnh lùng, vô cảm.

- Bài học: Ý thức được ý nghĩa và sức mạnh của tình yêu thương và sự cảm thông. Khiến con người biết sẻ chia ngay từ những điều nhỏ bé của cuộc sống với mọi người xung quanh.

Câu 2: Nghị luận văn học.

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm: Tác giả Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trữ tình - chính luận, Đoạn trích thuộc chương 5 - Trường ca "Mặt đường khát vọng" viết về sự thức tỉnh của thế hệ trẻ vùng đô thị tạm chiến về non sông đất nước và sứ mệnh của thế hệ mình.

- Quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm trong cả bài thơ: mới mẻ qua phát hiện ở chiều sâu, trên nhiều phương diện như truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, lịch sử địa lý. Từ đó nhấn mạnh tư tưởng đất nước của nhân dân.

- Riêng khổ thơ được nêu trong đề thể hiện lát cắt quan niệm của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước ở phương diện địa lý dài rộng.

- Nguyễn Khoa Điềm định nghĩa Đất Nước thành 2 yếu tố "Đất" và "Nước". Đất nước không hề xa lạ, mà đó là không gian sinh tồn không thể thiếu của mỗi người.

- Đất nước gần gũi, giản dị mà cũng thật thiêng liêng, lớn lao. Đất nước vừa giàu đẹp lại vừa là không gian đoàn tụ của các dân tộc, gắn liền với cội nguồn con Rồng cháu Tiên của dân tộc Việt Nam. Từ không gian địa lý của đất nước, tác giả đã gợi những trang sử hào hùng vẻ vang của dân tộc, được kế thừa và nối tiếp qua các thế hệ.

- Những câu thơ nhắc nhở về sứ mệnh được lịch sử giao phó của các thế hệ.

- Thông qua những hình ảnh trên, quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm thể hiện vừa sâu sắc, vừa mới mẻ.

- Quan niệm gắn liền với tư tưởng đất nước của nhân dân, được thể hiện bằng hình thức biểu đạt giàu suy tư. Giọng thơ trữ tình chính luận thiết tha, các chất liệu văn hóa dân gian được sử dụng nhiều, đặc sắc, sáng tạo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước