Ảnh minh họa.
Mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), chương trình ETEP đã tham dự buổi sinh hoạt chuyên môn triển khai mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục qua mạng cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đại trà, tại huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên). Cùng tham dự có ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên.
Buổi sinh hoạt chuyên môn trực tiếp được diễn ra sau khi tất cả thành viên tham dự đã trải qua 5 ngày nghiên cứu có hướng dẫn các tài liệu bồi dưỡng được đăng tải trên hệ thống quản lý học tập trực tuyến do Bộ GDĐT quản lý. Giáo viên Đỗ Thị Cúc - trường THPT Trưng Vương (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) cho biết, việc nghiên cứu trực tuyến rất hữu ích cho quá trình sinh hoạt chuyên môn trực tiếp. Bởi lẽ, các giáo viên được tiếp cận trước và có thời gian đủ để tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung của buổi sinh hoạt trực tiếp. Những thắc mắc trong quá trình tự nghiên cứu tài liệu, các giáo viên có thể tương tác và nhận được giải đáp từ giáo viên cốt cán của tỉnh đã được Bộ GDĐT bồi dưỡng, hoặc giảng viên trường sư phạm tham gia bồi dưỡng giáo viên cốt cán cho địa phương mình.
Giáo viên đại trà được tương tác với giảng viên đại học
Tại buổi sinh hoạt trực tiếp, các thầy cô sẽ trao đổi, đóng góp ý kiến về một chủ đề cụ thể nào đó, hoặc thảo luận các nội dung về chương trình GDPT mới, chia sẻ ý tưởng về dạy học phát triển năng lực sao cho hiệu quả... Quá trình thảo luận, nếu có những thắc mắc không giải đáp được hoặc không thống nhất được cách hiểu, các giáo viên tiếp tục trao đổi với giáo viên cốt cán của tỉnh, nếu vẫn không có lời giải thỏa đáng thì hỏi tiếp giảng viên đại học. Sự tương tác với giáo viên cốt cán và giảng viên sư phạm lúc này có thể là trực tiếp hoặc trực tuyến, nhưng cuối cùng, tất cả thành viên của buổi sinh hoạt chuyên môn đều biết được câu trả lời chính xác, từ đó thống nhất được nhận thức, cách hiểu.
"Mô hình bồi dưỡng thường xuyên thông qua sinh hoạt chuyên môn, có áp dụng phương thức trực tuyến có tương tác và trực tiếp như vậy là rất hiệu quả. Việc tận dụng được công nghệ vào bồi dưỡng sẽ giúp tiết kiệm được thời gian, kinh phí. Giáo viên chúng tôi có thể chủ động học tập ở bất cứ nơi nào, vào bất cứ khoảng thời gian phù hợp nào; đồng thời có thể học lâu dài, liên tục, để thấm nhuần và vận dụng tốt các nội dung được bồi dưỡng vào thực tế giảng dạy", cô Cúc nói và đề xuất Bộ GDĐT nên tiếp tục triển khai mô hình này.
Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ GDĐT, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, địa phương này sẽ ưu tiên những điều kiện tốt nhất để ngành giáo dục triển khai chương trình GDPT mới. Trong tổng thể phát triển của địa phương, có những nơi vẫn khó khăn về cơ sở vật chất, nơi thừa - thiếu giáo viên cục bộ. Dù vậy, trong mọi điều kiện khó khăn, ông Hưng đề nghị ngành giáo dục tỉnh phải đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu chất lượng của chương trình GDPT mới. Khó khăn đến đâu, tỉnh cùng ngành sẽ từng bước tháo gỡ.
Để hoạt động sinh hoạt chuyên môn có chất lượng, giáo viên Đỗ Thị Cúc cho rằng, lập kế hoạch sinh hoạt chi tiết và tổ chức thường xuyên. Mỗi buổi sinh hoạt, tổ chuyên môn sẽ thảo luận, đóng góp ý kiến về một chủ đề/kế hoạch dạy học, sao cho có nhiều ý kiến nhất. Sau khi thống nhất kế hoạch dạy học chung, nhóm sẽ chọn ra một đại diện để dạy thực nghiệm kế hoạch này. Tiếp đó, nhóm sinh hoạt chuyên môn tiếp, để đánh giá chất lượng buổi dạy, từ đó cùng xây dựng và tổ chức những buổi dạy học hiệu quả hơn.
TS Sái Công Hồng, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học nhấn mạnh, hoạt động bồi dưỡng này thực chất là bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ, giáo viên cả nước mà ngành giáo dục vẫn tiến hành những năm qua. Tuy nhiên giai đoạn này sẽ ưu tiên vào nội dung tìm hiểu chương trình SGK mới để chuẩn bị dạy học theo chương trình mới, bắt đầu từ năm học 2020-2021.
Mô hình lần này bồi dưỡng thông qua sinh hoạt chuyên môn tại trường hoặc cụm trường. Phần tự học có hướng dẫn qua mạng của giáo viên cốt cán và giảng viên sư phạm là điểm mới của công tác bồi dưỡng, giúp các thầy cô có thể học tập, nghiên cứu lâu dài, và những thắc mắc được giải đáp kịp thời, từ nguồn thông tin chính xác.
Để hoạt động bồi dưỡng đạt hiệu quả, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học đề nghị việc tương tác giữa giáo viên đại trà và giáo viên cốt cán, giảng viên sư phạm cần diễn ra liên tục, giải đáp theo nhóm vấn đề để tất cả giáo viên đều nắm bắt được. Sinh hoạt trực tiếp, cần bố trí số lượng người tham dự phù hợp để tất cả giáo viên đều có cơ hội và có đủ thời gian trao đổi, chia sẻ và giải đáp các vấn đề chuyên môn. Đồng thời khẳng định, các Vụ chuyên môn của Bộ GDĐT sẵn sàng hỗ trợ các thầy cô trong quá trình bồi dưỡng.
Bồi dưỡng trực tuyến để tất cả giáo viên tham gia đều là "F1"
Chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên môn của giáo viên/cán bộ quản lý giáo dục huyện Văn Lâm (Hưng Yên), Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, một trong những năng lực cốt lõi mà chương trình GDPT sẽ giúp học sinh hình thành và phát triển là năng lực tự học. Muốn làm được điều này, bản thân giáo viên cũng phải có năng lực tự học, tự bồi dưỡng thì mới dạy được cho học sinh. Vì thế, trong công tác bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt là bồi dưỡng để triển khai chương trình GDPT mới, Bộ GDĐT đẩy mạnh hoạt động tự bồi dưỡng của các thầy cô.
Thứ trưởng Nguyễn Hứu Độ chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên môn của giáo viên/cán bộ quản lý giáo dục huyện Văn Lâm (Hưng Yên)
"Bộ đưa ra công thức 5-3-7, trong đó 5 ngày giáo viên tự nghiên cứu có hướng dẫn qua mạng, 3 ngày sinh hoạt chuyên môn trực tiếp và 7 ngày các thầy cô lại tiếp tục tự nghiên cứu và làm bài kiểm tra chất lượng. Chỉ khi được đánh giá "Đạt" chất lượng khóa bồi dưỡng, giáo viên mới được tham gia giảng dạy trực tiếp trên lớp", Thứ trưởng nói và nhấn mạnh yêu cầu đội ngũ nhà giáo cần thay đổi nhận thức để biến quá trình được bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng hiệu quả.
Với mô hình bồi dưỡng thường xuyên - liên tục thông qua sinh hoạt chuyên môn, kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, ngành giáo dục cũng hướng đến sự thay đổi mạnh mẽ trong công tác bồi dưỡng giáo viên. Nếu trước đây, Bộ GDĐT ban hành chương trình SGK rồi tổ chức tập huấn cho giáo viên ở cấp tỉnh; giáo viên cấp tỉnh tiếp tục về tập huấn cho giáo viên cấp huyện; giáo viên cấp huyện lại tập huấn cho giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở cấp trường.
Như vậy đến giáo viên cấp trường là F3 của quá trình bồi dưỡng, chất lượng theo đó bị giảm sút. Việc bồi dưỡng kết hợp phương thức trực tuyến với ưu điểm là giúp giáo viên ở tất cả các cấp đều tiếp cận được tài liệu bồi dưỡng gốc, tương tác được với giảng viên sư phạm - đội ngũ bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán cấp tỉnh, nên tất cả thầy cô sẽ đều là "F1".
"Giáo viên cốt cán cấp tỉnh đã được Bộ GDĐT bồi dưỡng nhưng toàn bộ tài liệu, chương trình tập huấn giáo viên cốt cán đều được đưa lên mạng để tất cả giáo viên đại trà đều có thể tiếp cận và có cùng nhận thức, hiểu biết như nhau. Giáo viên cốt cán chỉ là được bồi dưỡng trước, từ đó tham gia hỗ trợ giáo viên đại trà, giúp các đồng hiểu để hiểu đúng về chương trình và việc thực hiện chương trình hiệu quả", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!