Giáo sư Peck Cho thường được gọi là "giáo viên cho giáo viên, là một chuyên gia giáo dục nổi tiếng thế giới, người có tầm nhìn sâu sắc về cả phương hướng và chiến lược thực tiễn cho giáo dục. Ông hiện làm việc cho Ủy ban Cố vấn chính sách của Bộ Giáo dục, Bộ Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, Ủy ban Cố vấn chính sách của Văn phòng Giáo dục Thủ đô Seoul và đồng chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Bạo hành học sinh với Thủ tướng Hàn Quốc. Ông cũng là cố vấn cho các chiến dịch đào tạo nhân tài của các tập đoàn lớn như Sam Sung...
Bên cạnh đó, Giáo sư Cho hiện đang cung cấp khóa học trực tuyến phổ biến nhất cho giáo viên tại Hàn Quốc. Ông cũng đã được mời tập huấn cho các Giáo sư tại 182 trường đại học trên thế giới và hơn 30.000 giáo viên.
Trong sự nghiệp của mình, Giáo sư Cho đã nhận được nhiều giải thưởng, như Giải thưởng Khởi đầu nghiên cứu từ NSF, Giải thưởng Giảng dạy xuất sắc của Hiệp hội Giáo dục kỹ thuật Hoa Kỳ và Giải thưởng Đổi mới Hedong của Học viện Kỹ thuật Quốc gia Hàn Quốc.
Là một nhà giáo dục, Giáo sư Cho hỗ trợ và phục vụ cộng đồng của mình với tư cách là Chủ tịch Hội đồng của Dream Tree Village cho trẻ em mồ côi, Trưởng Trung tâm Tư vấn cho học sinh có rủi ro do Bộ Giáo dục điều hành và Giám đốc Trung tâm Doanh nhân trẻ và năng khiếu.
Giáo sư Cho đã xuất bản nhiều bài báo và sách như "Đổi mới và Cải cách trong Giáo dục", "Huấn luyện cảm xúc cho thanh thiếu niên" và sản xuất nhiều bộ phim tài liệu truyền hình thành công về giáo dục. Giáo sư Peck Cho đã thực hiện đào tạo cho 11.000 Hiệu trưởng trên khắp Hàn Quốc thông qua các buổi trao đổi và giảng dạy.
Tại Việt Nam, Giáo sư Peck Cho là cố vấn đặc biệt của dự án "Thầy cô chúng ta đã thay đổi", "Cha mẹ thay đổi", "Hiệu trưởng thay đổi" vì một trường học hạnh phúc từ năm 2016 và đã có nhiều bài phát biểu chia sẻ với các thầy cô giáo, cha mẹ... trên kênh Truyền hình Giáo dục Quốc gia VTV7 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Nhân cuộc hội thảo "Thay đổi Vì một trường học hạnh phúc 2022: Chọn yêu thương - Chọn hạnh phúc", Giáo sư Cho đã có một cuộc trò chuyện với phóng viên VTV - nơi ông chia sẻ những trải nghiệm trong công việc của mình cũng như những quan điểm của ông về giáo dục.
Dự án "Thay đổi Vì một trường học hạnh phúc" là sự tiếp nối của dự án THAY ĐỔI của kênh VTV7 - Đài truyền hình Việt Nam. Trước đó, năm 2016, Kênh VTV7 đã sản xuất series phim tài liệu "Thầy cô chúng ta đã thay đổi". Đây là series phim tài liệu được ghi hình thực tế tại 8 lớp học của 8 thầy cô giáo đã dũng cảm đăng ký tham gia dự án.
Năm 2019, VTV7 tiếp tục sản xuất series phim tài liệu "Cha mẹ thay đổi" - đề cập đến bản chất mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình. Cũng trong năm 2019, tiếp nối dự án THAY ĐỔI, với sự kêu gọi của Đài Truyền hình Việt Nam, sự đồng hành và ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, dự án “Hiệu trưởng thay đổi” đã được phát động trên toàn quốc. Hội thảo đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của 500 hiệu trưởng và giáo viên trên toàn quốc.
Xin chào Giáo sư Peck Cho! Rất vui mừng chào đón ông trở lại Việt Nam! 6 năm đã trôi qua kể từ series "Thầy cô chúng ta đã thay đổi" là lần đầu tiên ông đến Việt Nam cùng VTV7, lần trở lại này mang đến cho ông cảm xúc như thế nào?
- Tôi đã có một trải nghiệm tuyệt vời khi là một phần của series "Giáo viên đã thay đổi".
Bắt đầu một điều gì đó mới đã là một thử thách. Nhưng để tiếp tục hành trình thay đổi đó thì còn khó hơn nhiều. Vì vậy, tôi thực sự ấn tượng với việc Ban Lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm và vai trò lãnh đạo của mình trong việc tiếp tục dự án, cũng như việc Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã hỗ trợ cho dự án lần này.
Được biết, Giáo sư cũng là người thiết kế của chương trình "Giáo viên chúng ta đã thay đổi" ở Hàn Quốc. Vậy ông có thể chia sẻ thêm về dự án này và những điều khiến ông còn trăn trở sau khi dự án kết thúc?
- Series "Giáo viên đã thay đổi" ở Hàn Quốc có ảnh hưởng sâu rộng tới nền giáo dục. Series này khởi tạo một chương trình "tư vấn dạy học" toàn quốc dành cho các giáo viên, không phải để đánh giá hay kiểm tra mà là để hỗ trợ cho chính quá trình phát triển nghề nghiệp của họ. Ngoài ra, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng thành lập một nhóm giáo viên mới, gọi là "Giáo viên cả" (Master Teacher) mà vai trò của họ là giúp đỡ và cố vấn cho các giáo viên khác.
"Tôi mong chờ quá trình đổi mới sáng tạo sẽ không chỉ dừng lại ở đây mà sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới".
Giáo sư Peck Cho.
Sau khi có thời gian tìm hiểu và tiếp xúc với các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh tại Việt Nam thông qua dự án "Cha mẹ thay đổi" và "Thầy cô chúng ta đã thay đổi", Giáo sư có thể chia sẻ góc nhìn của cá nhân của ông về sự tương đồng và sự khác nhau giữa giáo dục Việt Nam và giáo dục Hàn Quốc?
- Mặc dù Việt Nam và Hàn Quốc có lịch sử và văn hoá khác biệt, chúng ta lại có rất nhiều điểm chung, đặc biệt là việc dành sự tôn trọng đặc biệt cho giáo dục. Chúng ta đều đặt giáo dục là một ưu tiên hàng đầu và các bậc phụ huynh thì luôn mong muốn đầu tư cho con cái của mình. Đó thực sự là một nguồn năng lượng lớn để thúc đẩy sự phát triển cho cả các cá nhân lẫn quốc gia.
"Một trong các sai lầm lớn nhất mà Hàn Quốc mắc phải đó là "dùng hạnh phúc để trả giá cho thành công". Tôi cho rằng thành công mà không có hạnh phúc chỉ là "ngụy thành công"".
Giáo sư Peck Cho.
Hàn Quốc đã có nhiều thành công, nhưng cũng có những thất bại. Tôi chắc chắn rằng Việt Nam đang trên con đường hướng tới thành công, nhưng tôi hi vọng Việt Nam sẽ không lặp lại sai lầm "gạt hạnh phúc sang một bên", như thể là nó sẽ tự khắc xuất hiện theo sau thành công. KHÔNG. Cũng giống như cách chúng ta phải làm việc chăm chỉ để thành công, chúng ta cũng cần làm việc chăm chỉ để hạnh phúc.
Khi thực hiện 2 chương trình tại Việt Nam, xem lại những hình ảnh được ghi lại, ông có suy nghĩ như thế nào?
- Tôi cảm thấy có một sự gắn kết lớn với người Việt Nam. Tôi dành một sự tôn trọng đặc biệt dành cho đất nước của các bạn. Và tôi thực sự vinh dự khi được tham gia các chương trình này, đồng thời cảm thấy rất hạnh phúc khi có thể đóng góp được một phần nhỏ bé cho chương trình.
Vậy lý do nào để Giáo sư nhận lời trở lại Việt Nam lần này?
- Ngay trước đợt bùng phát dịch COVID-19, tôi có cơ hội được gặp (Ngài) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Chúng tôi có trao đổi về việc thực hiện kế hoạch lớn cho chương trình "Nhà trường đã thay đổi". Và tôi thấy hạnh phúc khi thấy chương trình này đang được khởi động lại sau ba năm bị hoãn.
Đây là gần như là lần đầu tiên tại Việt Nam có một Hội thảo "Thay đổi vì một trường học hạnh phúc" mà đối tượng là các hiệu trưởng đến từ gần như toàn bộ các tỉnh, thành trên cả nước. Ông có một kỳ vọng hay mong muốn gì không?
- Ba năm trước, tôi có buổi nói chuyện với các vị hiệu trưởng tới từ khắp các tỉnh, thành của Việt Nam. Mục đích của buổi nói chuyện đó là nhằm để giúp các hiệu trưởng nhận ra vì sao đổi mới giáo dục là một nhiệm vụ khẩn cấp. Lần này, chúng tôi sẽ có một buổi hội thảo hai ngày. Chúng tôi mong muốn sẽ có thể cho các vị hiệu trưởng thấy, họ có thể thực sự làm điều gì ở chính ngôi trường của mình. Chúng tôi dự định sẽ cung cấp cho họ các công cụ cụ thể để mang về sử dụng tại trường mình.
Giáo sư có thể bật mí một chút nội dung mà ông muốn mang đến cho các hiệu trưởng của Việt Nam lần này?
- Tôi muốn để các vị hiệu trưởng thấy việc thiết kế khung chương trình là chưa đủ. Giáo viên cần thiết kế "trải nghiệm giáo dục". Việc khung chương trình được thiết kế tập trung vào việc dạy cái gì, nhưng trải nghiệm giáo dục là cách dạy học để học sinh được chủ động tham gia, được tạo động lực và được sáng tạo. Thiết kế khung chương trình bản chất giống như một hoạt động tác động vào nhận thức, còn trải nghiệm giáo dục thì sẽ tác động vào cảm xúc.
Chúng ta đều thấy rằng, muốn trường học thay đổi để cả học sinh và giáo viên đều cảm thấy hạnh phúc thì chắc chắn người đầu tiên cần thay đổi phải là hiệu trưởng. Nhưng đây là việc rất khó và đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì và cả dũng cảm nữa. Ông có lời chia sẻ nào cho các hiệu trưởng trên chặng đường thay đổi của họ không?
- Tất cả các hiệu trưởng ở Việt Nam đều sẽ cần đưa ra lựa chọn của mình ngày hôm nay. Họ muốn mình được nhớ đến như một rào cản của quá trình đổi mới sáng tạo hay là những người đấu tranh thực hiện quá trình đó? Cá nhân tôi chắc chắn sẽ không muốn mình được các đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh nhớ tới như một vật cản của sự tiến bộ.
"COVID-19 đã khởi động một thí nghiệm mang tính lịch sử trong giáo dục xảy ra ở quy mô toàn cầu".
Giáo sư Peck Cho.
Sau đại dịch COVID-19 và sự ảnh hưởng của kỹ thuật số, giáo dục toàn cầu đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Giáo sư có thể chia sẻ thêm tới giáo viên, học sinh và cả phụ huynh về những tác động của sự thay đổi này hay không?
- COVID-19 đã rất tình cờ khởi động một thí nghiệm mang tính lịch sử trong giáo dục xảy ra ở quy mô toàn cầu. Trong cùng một thời điểm, gần như tất cả các trường học đều phải đóng cửa cùng một lúc trong một thời gian rất dài. Hệ quả của thí nghiệm đó là một bí mật lớn đã được bật mí. Giáo dục có thể tiếp tục mà không nhất thiết cần mở trường. Một dấu chấm hỏi mang tính cơ sở được đặt ra cho vai trò của trường học và giáo viên. Chúng tôi không biết cuộc thảo luận này cuối cùng sẽ kết thúc như thế nào. Tuy nhiên, có một điều rất rõ ràng, đó là chúng ta cần cùng nhau suy nghĩ lại một cách nghiêm túc về giáo dục.
Và theo ông có điểm nào lưu ý với giáo dục của Việt Nam?
"Việt Nam, với tư cách là một quốc gia đang phát triển, không nên chỉ đi theo dòng chảy phát triển thông thường, mà cần trở thành một chú ngựa ô vượt qua các quốc gia có điều kiện kinh tế phát triển hơn".
Giáo sư Peck Cho.
- Các hiệu trưởng cần ngồi lại với nhau và thảo luận về cách mà các ngôi trường Việt Nam phải thay đổi, không phải chỉ để cố gắng rượt đuổi hay bắt kịp các quốc gia phát triển, mà ngay từ ngày hôm nay, phải trở nên vượt trội trên đường đua và cố gắng vươn lên như một nhà lãnh đạo thế giới về giáo dục tương lai
Giáo sư có thể cảm nhận "nhịp" thay đổi của giáo dục Việt Nam hiện tại có gì khác hơn?
- Đó là điều chắc chắn. Lần cuối cùng tôi có buổi nói chuyện và gặp gỡ ở Hà Nội, thật tuyệt vời là đã có đến 500 vị hiệu trưởng tham gia buổi nói chuyện đó. Điều đó chứng tỏ hiệu trưởng ở Việt Nam thực sự quan tâm tới đổi mới giáo dục và thay đổi trường học. Tôi hy vọng có thể cảm nhận lại được năng lượng đó trong lần quay lại này.
Đối với giáo dục và hành trình kiến tạo nên trường học hạnh phúc là một hành trình dài và khác nhau ở mỗi quốc gia. Theo ông đâu là trở ngại lớn nhất?
- Khó khăn lớn nhất chính là "tâm lý tiêu cực". Có rất nhiều người dành rất nhiều chất xám của mình trong việc phân tích tại sao các chương trình mới sẽ rất khó có thể áp dụng. Họ sẽ tìm thấy hàng trăm lý do và tất cả các lý do đó sẽ đều khá hợp lý. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng đổi mới là thực hiện công việc bất chấp khó khăn. Vì vậy, thay vì truy tìm "người giơ đầu chịu báng", hãy cùng nhau chia sẻ một tầm nhìn chung về tương lai hạnh phúc.
Dự cảm của ông với sự thay đổi này với giáo dục Việt Nam?
- Tôi không phải là thầy bói. Tôi không thể dự đoán tương lai. Nhưng tôi hy vọng Việt Nam sẽ trở nên thành công và hạnh phúc.
Cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện!
Trong 2 ngày 24 - 25/9/2022, Hội thảo “Thay đổi Vì một trường học hạnh phúc” với Chủ đề “Chọn Yêu thương - Chọn Hạnh phúc” sẽ chính thức diễn ra với sự tham gia của 400 Hiệu trưởng đến từ 50 tỉnh, thành trên toàn quốc. Năm nay, Hội thảo về giáo dục với quy mô quốc tế hướng đến xây dựng những ngôi trường hạnh phúc trên khắp Việt Nam đã được thực hiện dưới sự khởi xướng của VTV7 - Kênh truyền hình Giáo dục Quốc gia, đồng tổ chức cùng LOF là Công ty CP Sữa Quốc tế IDP và sự đồng hành của Cục Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Với chủ đề “Chọn Yêu thương - Chọn Hạnh phúc”, Hội thảo “Thay đổi vì một trường học hạnh phúc” được diễn ra trong bối cảnh ngành Giáo dục Việt Nam vừa bắt đầu năm học mới 2022 - 2023 với nỗ lực tái thiết trường học sau 2 năm trải qua đại dịch COVID-19. Lần đầu tiên tại Việt Nam, hội thảo có sự phối hợp điều phối nội dung từ hai chuyên gia Tâm lý giáo dục và tạo dựng hạnh phúc nổi tiếng thế giới. Đó là Giáo sư Peck Cho - Đại học Korea - Hàn Quốc - Cố vấn giáo dục của Chính phủ Hàn Quốc và Giáo sư Hà Vĩnh Thọ - người Pháp gốc Việt, sống ở Thụy Sĩ, người sáng lập Học Viện Eurasia vì Hạnh phúc & An lạc, Nguyên Giám đốc Chương trình của Trung tâm Tổng Hạnh phúc Quốc gia ở Bhutan và là một diễn giả được biết đến rộng khắp về các chủ đề: Tổng Hạnh phúc Quốc gia, Hạnh phúc & An lạc, đằng sau GDP.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!