Giáo dục mầm non: Cần tháo gỡ 3 điểm nghẽn lớn

Nguyễn Bắc-Thứ ba, ngày 27/08/2024 12:00 GMT+7

VTV.vn - Cả nước hiện có hơn 300.000 trẻ mẫu giáo từ 3 - 4 tuổi chưa được đến trường, thiếu 50.000 giáo viên mầm non và việc tiếp cận với giáo dục mầm non ở vùng cao là rất khó.

Giáo dục mầm non được xác định là có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam. Tuy nhiên, giáo dục mầm non ở nước ta đang phải đối mặt với ba điểm nghẽn lớn: Một là nguồn nhân lực tài chính, cơ sở vật chất; Hai là nhân lực đội ngũ giáo viên còn thiếu; Ba là tiếp cận giáo dục mầm non chưa bình đẳng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Đây cũng là ba điểm nghẽn mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2023 - 2026 đã yêu cầu phải sớm tháo gỡ.

Giáo dục mầm non: Cần tháo gỡ 3 điểm nghẽn lớn - Ảnh 1.

Giáo dục mầm non được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đặc biệt

Mở trường mầm non tư thục ở vùng cao là bất khả thi

Chương trình giáo dục mầm non được ban hành vào năm 2009 theo Thông tư 17 của Bộ Giáo dục - Đào tạo được đánh giá là tiến bộ, tiệm cận với chương trình giáo dục mầm non tiên tiến của thế giới. Tuy nhiên, chế độ sinh hoạt của trẻ em ở trong chương trình giáo dục mầm non hiện hành (ban hành năm 2009) gây khá nhiều áp lực cho giáo viên. Trong chương trình này, chế độ sinh hoạt của trẻ ở nhà trường chiếm khoảng trên 10 tiếng đồng hồ. Đây là một trong những vấn đề về hành lang pháp lý khi đảm bảo chế độ làm việc cho giáo viên theo Luật Giáo dục.

Nhiều khu vực khó khăn về phát triển giáo dục mầm non như vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long… là những nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa hình núi cao hiểm trở hoặc sông ngòi chằng chịt. Việc huy động trẻ đến trường, đến lớp gặp thêm nhiều thách thức. Các trẻ mầm non chưa được đến trường chủ yếu ở những vùng khó này.

Tại các vùng kinh tế khó khăn, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân không có điều kiện kinh tế để cho con theo học các lớp mầm non tư thục. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc mở các trường mầm non tư thục tại những khu vực này là bất khả thi.

"Để đảm bảo quyền lợi cho các cháu ở các cái khu vực này thì Nhà nước phải tăng cường đầu tư. Các thống kê cũng đã chỉ rõ khó khăn rất lớn đối với ngành giáo dục nói chung và đặc biệt là đối với giáo dục mầm non, đó là tình trạng thiếu giáo viên mầm non hiện nay vẫn chưa được khắc phục. Những khó khăn này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giáo dục cũng như chất lượng giáo dục mầm non", ông Minh cho biết.

Trong khi đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội miền núi và dân tộc thiểu số, không có đối tượng thụ hưởng là giáo dục mầm non. Chính phủ, các địa phương cũng đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và yêu cầu Ủy ban Dân tộc chỉnh sửa, trình Chính phủ để đưa đối tượng giáo dục mầm non vào đối tượng thụ hưởng.

Giải pháp cho vấn đề thiếu trường lớp, thiếu giáo viên

Theo ông Minh, giải pháp trong thời gian tới là triển khai nghị quyết của Quốc hội về phổ cập, đổi mới chương trình giáo dục. Trong đó, sẽ có một số cơ chế chính sách để tháo gỡ vấn đề này.

Về vấn đề thiếu trường lớp, các địa phương phải có đủ tài chính để xây dựng trường công lập. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề nghị Chính phủ và đề nghị Quốc hội cho phép cơ chế đối tác công tư theo phương thức: Trường công do tư thục quản lý. Theo đó, nhà nước sẽ xây, trường sẽ chuẩn bị đất đai, xây trường và cho tư nhân thuê cơ sở vật chất đó để vận hành, quản lý. Vốn xây dựng là ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ sau đó để tư nhân vận thuê lại và sử dụng.

Về vấn đề thiếu giáo viên, cần giải quyết được hai vấn đề khác là giảm áp lực làm việc của giáo viên mầm non và cải thiện hệ số lương. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Luật Nhà giáo để tham mưu Chính phủ trình Quốc hội để ban hành.Đây là động thái thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ giáo viên mầm non.

Để gỡ khó cho những điểm nghẽn hiện tại thì các biện pháp đã được xác định là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ ba đến năm tuổi. Đổi mới nội dung chương trình giáo dục và đặc biệt là cơ chế huy động nguồn lực và các điều kiện để thực hiện đổi mới, phát triển giáo dục mầm non, nâng cao nhận thức của cả xã hội về vai trò của giáo dục mầm non. Có như vậy mới đổi mới được toàn diện giáo dục mầm non và đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Giáo dục mầm non: Cần tháo gỡ 3 điểm nghẽn lớn - Ảnh 2.

Cùng trao đổi về vấn đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay với Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước