Giáo dục giới tính cần sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình
Theo phác thảo nội dung sách giáo khoa và chương trình mới, vấn đề giáo dục giới tính ở các cấp học sẽ được đề cập sâu hơn trong thời gian tới. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề giáo dục giới tính trong môi trường học đường, nhiều phụ huynh và học sinh đều mong muốn tăng cường nội dung này trong quá trình học tập.
Mỹ Trà (học sinh lớp 12, Nam Từ Liêm - Hà Nội) chia sẻ: "Theo em, việc học các kiến thức về giáo dục giới tính là cần thiết. Ở nước ngoài, trẻ em được giáo dục giới tính ngay từ nhỏ, còn tại nước ta, đa số khi nhắc đến vấn đề này, mọi người đều lảng tránh và ngại giải thích. Để tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra, đặc biệt đối với lứa tuổi vị thành niên thì việc giáo dục giới tính trong cấp học là cấp thiết và nên trở thành một môn học bắt buộc đối với học sinh. Như vậy, chúng em sẽ có thêm kiến thức, hiểu biết toàn diện về các vấn đề liên quan tới sức khỏe ,tâm sinh lý của bản thân để từ đó biết cách phòng tránh, giải quyết khi gặp phải những trường hợp không mong muốn".
Chị Thu Hà (Đống Đa - Hà Nội) cũng bày tỏ, đã đến lúc gia đình và nhà trường nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc chứ không nên lảng tránh, "lờ đi" như trước. "Thực tế, trẻ em 3-4 tuổi đã bắt đầu nhận thức được giới tính của mình. Hiện nay, tại trường học, vấn đề giáo dục giới tính đã được đề cập nhưng còn khá mỏng và muộn so với các nước phát triển. Chúng ta không nên tặc lưỡi rằng các con khi lớn lên sẽ tự biết những điều đó, vì nếu không có sự định hướng của gia đình, nhà trường, việc tìm hiểu kiến thức giới tính sẽ dẫn đến những lệch lạc, sai lầm nghiêm trọng. Cha mẹ cũng không nên phó thác hết trách nhiệm giáo dục giới tính cho nhà trường vì có thể sẽ đẩy con cái ra xa hơn. Nên là người bạn để lắng nghe chia sẻ, tâm sự khó nói của con, đặc biệt trong giai đoạn dậy thì", chị Hà cho biết.
Nên nhìn nhận vấn đề giáo dục giới tính một cách nghiêm túc và cởi mở hơn
Tuy nhiên, đưa kiến thức giáo dục giới tính thế nào để tránh "vẽ đường cho hươu chạy" cũng là nỗi lo lắng của nhiều bậc phụ huynh. Giáo dục giới tính để các em tự bảo vệ cơ thể hay lại khiến các em "biết nhiều quá" và thêm tò mò là dấu hỏi lớn được hầu hết phụ huynh đặt ra.
"Các trường học nên có kế hoạch tuyên truyền, lồng ghép và giáo dục về kiến thức giới tính theo một lộ trình hợp lý. Độ tuổi các em được tiếp cận giáo dục giới tính nên giảm xuống, có thể ngay từ bậc tiểu học. Nhà trường có thể kết hợp với các trung tâm y tế tại khu vực để dạy kiến thức cho học sinh một cách bài bản và khoa học nhất. Chỉ khi hiểu rõ về cơ thể mình, các em mới có thể bảo vệ bản thân trước những tình huống xấu xảy ra", anh Công Đoàn (Long Biên - Hà Nội) cho biết.
Giáo dục phân hóa, tự chọn bậc THPT giảm gánh nặng cho học sinh
Bên cạnh việc tăng cường kiến thức giới tính trong giáo dục phổ thông, chương trình sách giáo khoa mới cũng thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở bậc tiểu học và THCS; bậc THPT thực hiện giáo dục phân hóa, tự chọn. Cụ thể, các em học sinh lớp 11, 12 sẽ được chọn học những môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp và sở thích, sở trường của mình để phục vụ cho việc chọn ngành, chọn trường trong tương lai. Như vậy, ngoài một số môn bắt buộc như Giáo dục quốc phòng, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo thì các môn còn lại sẽ được học sinh tự chọn 5 môn sao cho phù hợp định hướng nghề nghiệp của mình.
Theo dự thảo mới, học sinh hợp 11,12 có thể chỉ phải học 5 môn, phù hợp định hướng, sở trường của mình
Trước điểm mới này, nhiều phụ huynh thể hiện sự ủng hộ nhằm giảm áp lực học hành cho con em trong giai đoạn nước rút. Chị Thu Hà cho biết: "Việc dạy phân hóa theo hình thức tự chọn thực hiện ở 2 năm cuối cấp sẽ giúp các em sớm định hướng rõ ràng về sở trường, thế mạnh của mình và có nhiều thời gian để tập trung trau dồi kiến thức những môn học phục vụ trực tiếp sau này. Thực tế hiện nay, việc các em phải hoàn thành tất cả các môn, bên cạnh việc chạy đua ôn thi để vào đại học, cao đẳng đang là gánh nặng khá lớn đối với bản thân các em cũng như thầy cô và gia đình".
Cùng quan điểm với chị Thu Hà, anh Toàn (Nam Từ Liêm - Hà Nội) cũng cho biết, giai đoạn học THPT nên là giai đoạn định hướng nghề nghiệp, tạo bước đệm tốt để học sinh học nghề trong tương lai. Học phân ban giúp các em học chuyên sâu hơn, đồng thời tạo tâm lý thoải mái trong thời điểm các em quyết định chọn ngành, chọn trường.
Mặt khác, một số ý kiến tỏ ra lo lắng trước việc thực hiện giáo dục tự chọn bậc THPT. Anh Công Đoàn chia sẻ: "Bản thân các em, trong năm học lớp 10, có thể còn chưa định hướng được mình cần gì, có sở trường gì. Nếu muốn các em tự chọn khối học, chọn trường với tư duy chủ động sẽ khá khó khăn, dù có sự trợ giúp của thầy cô, gia đình. Theo quan điểm cá nhân, tôi mong muốn vào cuối năm học lớp 10, các trường đại học có thể về tận nơi để trực tiếp giới thiệu, hướng dẫn và tư vấn cho các em. Ví dụ như tư vấn về việc để vào được trường đại học nào đó, các em cần học những môn học nào, yêu cầu ra sao, cơ hội việc làm trong tương lai thế nào để các em có hình dung rõ ràng nhất về trường đại học và nghề nghiệp mà mình mong muốn".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!