Gần 50% trường đại học dạy môn Khởi nghiệp

PV-Thứ bảy, ngày 28/10/2023 06:59 GMT+7

VTV.vn - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Minh nêu ra thông tin trên tại Hội nghị Sơ kết 5 năm triển khai Đề án hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025 diễn ra chiều 27/10.

Ngày 27/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025". Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu trên toàn quốc.

Ngày 30/10/2017 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1665/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025". Mục tiêu của Đề án là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các nhà trường. Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Sau khi Đề án được ban hành, Bộ GDĐT đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" của ngành Giáo dục với một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như đẩy mạnh thông tin, truyền thông; hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp; tạo môi trường hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

Trong thời gian qua, Bộ GDĐT cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành ban hành một số cơ chế chính sách giúp các địa phương, các đơn vị có cơ chế để triển khai các nhiệm vụ giải pháp nhằm hỗ trợ thực hiện đề án. Song song với đó, Bộ GDĐT đang chuẩn bị hoàn thiện ban hành Bộ tiêu chí đánh giá cơ sở GDĐH khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đây là một thước đo quan trọng giúp cộng đồng đánh giá về hệ sinh thái khởi nghiệp trong cơ sở GDĐH và tầm ảnh hưởng của cơ sở GDĐH đó với cộng đồng, xã hội.

Gần 50% trường đại học dạy môn Khởi nghiệp  - Ảnh 1.

Quyền Vụ trưởng Vụ GDCT&CTHSSV Trần Văn Đạt trao đổi tại hội nghị.

Từ các cơ chế chính sách ban hành, tham mưu của Bộ GDĐT, các địa phương và cơ sở đào tạo đã chủ động triển khai bằng nhiều các giải pháp thiết thực hiệu quả. Thông qua đó, công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu. Từ những ngày đầu, khi khởi nghiệp vẫn được coi là phong trào thì đến nay khởi nghiệp sáng tạo đã được các nhà trường đưa nội dung, nhiệm vụ thành sứ mệnh, tầm nhìn hoặc có được cụ thể trong chiến lược phát triển của hầu hết các cơ sớ giáo dục.

Theo báo cáo của Bộ GDĐT, tỷ lệ cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% (năm 2020) lên 48% (năm 2022). 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. 100% các cơ sở đào tạo xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên. Khởi nghiệp cũng góp phần đổi mới căn bản phương pháp dạy và học trong các trường đại học và cao đẳng, đưa môi trường đào tạo trở thành nơi sáng tạo tri thức mới.

Bộ GDĐT đã hỗ trợ 10 địa phương tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục phổ thông. Cùng với đó, Bộ GDĐT đã hỗ trợ 23 cơ sở giáo dục đại học tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; Ký kết với 08 doanh nghiệp đồng hành cùng Bộ trong việc huy động nguồn lực triển khai Đề án 1665 giai đoạn 2 (năm 2022-2025).

Bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, hàng năm, Bộ GDĐT còn tổ chức các Ngày hội khởi nghiệp quốc gia cho học sinh, sinh viên, tạo sự kết nối giữa 3 chủ thể: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Ngày hội đã trở thành một hoạt động thường niên, thu hút hơn 20.000 người tham dự, tổ chức được 40 hội thảo, diễn đàn truyền cảm hứng, hơn 200 đơn vị, trường học tham gia và 50 doanh nghiệp, tập đoàn, quỹ đầu tư đồng hành.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhận định: Những thành quả đạt được trong thời gian qua là công sức lớn lao của tất cả các bên tham gia đề án từ trung ương đến địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp. Từ những thành quả đã đạt được trong quá trình triển khai, Thứ trưởng lưu ý các bên phải rút ra được những bài học kinh nghiệm như các mô hình, cách làm hay thì cần phải học hỏi lẫn nhau và tiếp tục cùng nhau đi chặng đường của những năm tiếp theo.

Gần 50% trường đại học dạy môn Khởi nghiệp  - Ảnh 2.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại hội nghị.

Trong quá trình triển khai, Thứ trưởng lưu ý: Cần có những giải pháp cụ thể để học sinh, sinh viên có nhận thức, hành động, hiểu và hiểu thấu đáo về công tác hỗ trợ khởi nghiệp. Khi đã hiểu rõ, hiểu sâu thì chính các em cũng thấy được trách nhiệm của mình đối với xã hội, với gia đình, bản thân và có những đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng.

Với những hỗ trợ trong triển khai đề án thời gian qua, Thứ trưởng ghi nhận, đánh giá cao và bày tỏ mong mỏi các bên tham gia tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, gặt hái nhiều thành quả ở những năm cuối. "Để khi tổng kết đề án, tổng kết phải rõ mô hình, thành quả của các bước đi thì chúng ta mới định hướng, biết được việc tiếp theo chúng ta cần làm là gì", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Bộ GDĐT đã tặng bằng khen cho 16 tập thể có hoạt động tích cực trong quá trình triển khai Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước