Gần 5 triệu người Mỹ vỡ nợ đại học

Theo TTXVN-Thứ năm, ngày 14/12/2017 15:53 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Con số trên cao gấp đôi mức của 4 năm trước, dù nước Mỹ đang trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế đều đặn và tạo ra được nhiều công ăn việc làm.

Số người Mỹ không thể thanh toán được các khoản nợ liên bang để theo học đại học đã lên tới con số gần 4,6 triệu người trong quý III/2017, gấp đôi mức của 4 năm trước, dù nước Mỹ đang trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế đều đặn và tạo ra được nhiều công ăn việc làm.

Số liệu do Bộ Giáo dục Mỹ công bố cho thấy chỉ riêng trong quý III/2017, số người vỡ nợ dạng này - được chính phủ xác định là không thể thanh toán được bất kỳ khoản tiền nào trong ít nhất là 1 năm, đã tăng gần 274.000 người. Tính đến ngày 30/9, tổng số người vỡ nợ chiến 22% số người Mỹ đang phải thanh toán các khoản nợ thời sinh viên. Tính tới quý này, tổng số nợ sinh viên không thể thanh toán được là 84 tỷ USD, hay 13% tổng số 631 tỷ USD số nợ sinh viên cần được thanh toán. Hiện tổng số nợ sinh viên mà chính phủ cấp là 1,27 nghìn tỷ USD. Số liệu này bao gồm khoản nợ cần thanh toán, khoản nợ chưa cần thanh toán do con nợ đang đi học hoặc được hưởng những dịch vụ miễn giảm tạm thời, và khoản nợ từ chương trình cũ theo đó các chủ nợ tư nhân cấp những khoản cho vay được nhà nước đảm bảo.

Nghịch lý là số người vỡ nợ sinh viên gia tăng trong bối cảnh thị trường lao động dồi dào - tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức thấp nhất trong 17 năm qua. Vỡ nợ để lại những hậu quả lâu dài cho cả con nợ lẫn nền kinh tế. Những người vỡ nợ sau này sẽ khó có thể vay tín dụng hay mượn tiền để mua nhà và ô tô. Đổi lại, điều này sẽ kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế. Mặt khác, những vụ vỡ nợ có thể gây phương hại tới ngân sách liên bang trong những năm tới do chính những người đóng thuế phải gánh những khoản cho vay không được thanh toán này.

Hiện giới chức ngân sách chính phủ khẳng định chương trình cho sinh viên vay tiền nhìn chung sẽ đem lại lợi nhuận cho chính phủ, song những năm gần đây chương trình này đã không đạt được những mục tiêu thu nhập một phần vì người vay đã không thanh toán được nợ và sử dụng các phương án liên bang khác để giảm nợ. Những phương án này gồm cho phép người nợ được giảm hóa đơn hàng tháng nếu lựa chọn tự động trích một phần thu nhập để thanh toán, hay tạm ngừng thanh toán trong thời gian gặp khó khăn về tài chính như thất nghiệp. Nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho thấy những người vỡ nợ chủ yếu là những người bỏ học trước khi nhận được bằng tốt nghiệp và theo học tại các trường hoạt động vì lợi nhuận và cao đẳng cộng đồng.

Trong tuần này, Ủy ban giáo dục Hạ viện Mỹ đã bắt đầu tranh luận đề xuất của đảng Cộng hòa về việc cải tổ chương trình nợ sinh viên. Kế hoạch này sẽ giảm số tiền mà sinh viên và phụ huynh những sinh viên chưa tốt nghiệp có thể mượn để trang trải học phí và sinh hoạt, đồng thời sẽ chấm dứt những đề xuất giãn nợ cho những người chọn phương án thanh toán trong thời gian nhất định.

Lần đầu sau 14 năm, Mỹ mất 2 vị trí đầu trên bảng xếp hạng các trường ĐH tốt nhất thế giới Lần đầu sau 14 năm, Mỹ mất 2 vị trí đầu trên bảng xếp hạng các trường ĐH tốt nhất thế giới

VTV.vn - Trong danh sách 100 đại học hàng đầu thế giới năm nay do THE bình chọn, Đại học Oxford được xếp hạng nhất, thứ 2 là Đại học Cambridge, đều thuộc Vương quốc Anh.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước