Ảnh minh hoạ.
Với 29,3 điểm cho các ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đang là trường có điểm chuẩn cao nhất năm 2024 tính đến thời điểm này, xét trên thang điểm 30, theo phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Nhưng ngay cả khi sở hữu điểm chuẩn cao chót vót, gần "chạm nóc", với mức trung bình gần 29,8 điểm mỗi môn, thí sinh vẫn sẽ bị trượt ngành Sư phạm Lịch sử nếu không đặt ngành này ở nguyện vọng 1, trượt ngành Sư phạm Ngữ văn nếu thứ tự nguyện vọng lớn hơn 10.
Cũng có điểm chuẩn rất cao là ngành Sư phạm Địa lý với 29,05 điểm, kèm thêm tiêu chí phụ là thứ tự nguyện vọng không được lớn hơn 2.
Ngoài ra, Đại học Sư phạm Hà Nội còn có 7 ngành có mức điểm trên 28 điểm là Giáo dục Công dân (28,6 điểm), Giáo dục đặc biệt (28,37 điểm), Giáo dục Quốc phòng và an ninh (28,26 điểm), Sư phạm Lịch sử-Địa lý (28,83 điểm), Văn học (28,31 điểm), Tâm lý học giáo dục (28 điểm).
Trường có tổng số 44 ngành đào tạo thì có đến 21 ngành có điểm chuẩn từ 27 điểm trở lên (trung bình thí sinh phải đạt 9 điểm/môn mới đỗ nếu không có điểm cộng ưu tiên). Tất cả các ngành đều kèm thêm tiêu chí phụ về thứ tự nguyện vọng ưu tiên.
Đứng thứ hai về điểm chuẩn là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với mức điểm chuẩn 29,05 điểm cho ngành Hàn Quốc học, tổ hợp C00. Điểm chuẩn ngành Báo chí của trường này cũng rất cao, ở mức 29,03 điểm cho tổ hợp C00. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn còn có ngành Quan hệ công chúng, tổ hợp C00 có điểm chuẩn cao với 29,1 điểm.
Ngành Báo chí cũng có điểm chuẩn cao nhất Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có với điểm chuẩn là 28,9 điểm (tổ hợp C00).
Đứng thứ ba về điểm chuẩn là Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có điểm chuẩn ngành Giáo dục Tiểu học lên đến 28,89 điểm cho tất cả 4 tổ hợp xét tuyển gồm A, B, C và D01.
Ngành Luật cũng có điểm chuẩn cao ngất ngưởng khi chuẩn ngành Luật Kinh tế của Trường Đại học Luật Hà Nội là 28,83 điểm.
Ở nhóm ngành kinh tế, Trường Đại học Ngoại thương vẫn đang dẫn đầu với điểm chuẩn cao nhất là 28,5 điểm. Trường có 7 ngành trên tổng số 15 ngành có mức điểm trúng tuyển theo tổ hợp A00 từ 28 điểm trở lên, 95% chỉ tiêu có ngưỡng điểm trúng tuyển trên 27 điểm.
Ở khối ngành kỹ thuật, điểm chuẩn cao nhất đang thuộc về chương trình Khoa học Máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội với 28,53 điểm xét theo điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Trước đó, từ ngày 13/8, Bộ GD-ĐT bắt đầu quá trình lọc ảo, kéo dài đến 17/8 với 6 lần trong 5 ngày. Song song, hai nhóm lọc ảo, phía Bắc do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì và phía Nam do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chủ trì, cũng tiến hành lọc ảo.
16h ngày 17/8, Bộ GD&ĐT trả kết quả lọc ảo lần cuối cùng cho các trường đại học. Dựa trên kết quả này, các trường xác định và công bố điểm chuẩn trúng tuyển chính thức, bắt đầu từ 17h ngày 17/8 và hoàn thành chậm nhất ngày 19/8.
Theo quy định, trước 17h ngày 17/8, các trường sẽ nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống, rà soát và chuẩn bị công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 theo lịch chung. Bộ GD&ĐT quy định các trường công bố kết quả xét tuyển đợt 1 trước 17h ngày 19/8.
Chậm nhất đến 17h ngày 19/8, các trường đại học, cao đẳng phải hoàn thành việc công bố điểm chuẩn và kết quả xét tuyển đợt 1.
Thí sinh cần lưu ý để nhận kết quả trúng tuyển và nhập học trên hệ thống theo đúng thời gian quy định.
Thống kê từ Bộ GD&ĐT cho thấy, năm 2024, có hơn 733.000 thí sinh đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Năm 2023 có hơn 660.000 thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống, tương đương 65,9% tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm nay tăng 73.000 so với năm trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!