Thông tin từ một số trường, dự kiến điểm chuẩn năm 2019 sẽ tăng nhẹ ở các trường tốp giữa. Trong đó, những ngành hot thì điểm có thể tăng cao, vì mức cạnh tranh rất lớn.
TS Đồng Xuân Đản, Trưởng khoa Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Điểm chuẩn cao hơn điểm sàn có xu hướng tăng nhẹ 0,5 - 1 điểm, ngành có nhiều nhu cầu thì điểm sẽ tăng hơn.
Còn TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết: Dựa trên sự biến động về phổ điểm của năm 2019 so với năm 2018, có nhích lên một chút; đồng nghĩa với việc điểm trung bình của các môn đều sẽ tăng so với năm 2018.
TS Trần Khắc Thạc, Phòng Đào tạo đại học và sau đại học, ĐH Thủy lợi Hà Nội cho biết: Dù được đánh giá cao bởi tính bình đẳng với tất cả các thí sinh nhưng phần mềm xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn có một tiêu chí phụ là thứ tự sắp xếp các nguyện vọng. Chọn ngành nào, trường nào ở vị trí đầu tiên cũng là việc chọn con đường để bước vào tương lai của mỗi thí sinh.
Cả nước có khoảng 652.000 thí sinh dự thi THPT có nguyện vọng sử dụng kết quả thi đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng trong khi tổng chỉ tiêu khoảng 500.000. Trong đó có khoảng hơn 100.000 chỉ tiêu dành cho xét tuyển qua học bạ hoặc hình thức khác.
"Từ số liệu nêu trên thì chưa cần biết phổ cao hay thấp như thế nào, cơ hội trúng tuyển của thí sinh gần như rất cao, có thể đến 90% (nếu muốn đi học) miễn là các em đủ ngưỡng nhận hồ sơ của các trường, các ngành", TS Trần Khắc Thạc cho biết.
TS Trần Khắc Thạc nhận định: Điểm chuẩn của các trường có tăng theo xu thế phổ điểm nhưng chỉ những trường tốp đầu, ngành tốp đầu và các trường công an, quân đội, y, dược… có khả năng tăng điểm chuẩn. Còn lại cơ bản như 2018, nếu có tăng thì cũng không quá cao. Dự kiến điểm chuẩn các ngành top giữa từ 14 - 22 điểm, tùy ngành.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!