Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu hội nghị. (Ảnh: Dân trí)
Sáng 14/4, tại TP.HCM, Hội nghị các trường đại học ngoài công lập được tổ chức để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập một cách bền vững. Diễn ra trong bối cảnh một số trường đại học ngoài công lập gặp khó khăn trong quá trình hoạt động do những bất đồng trong công tác điều hành của Hội đồng quản trị và lãnh đạo trường, vướng mắc trong thành lập Hội đồng trường nên Hội nghị thu hút sự quan tâm của hơn 60 trường đại học ngoài công lập trong cả nước và đông đảo báo giới.
Điểm mới của hội nghị là việc công bố kết quả khảo sát đánh giá của nhóm nghiên cứu, các nhà khoa học về thực trạng và đóng góp của các trường đại học ngoài công lập.
Theo kết quả này, bên cạnh những điểm sáng về phát triển còn một số trường đại học ngoài công lập "tụt hậu" so với mặt bằng chung của các trường.
Về cơ sở vật chất, vẫn còn một số trường có diện tích cơ sở nhỏ, đầu tư manh mún và chưa có tầm nhìn dài hạn để tạo ra môi trường học thuật. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính của các trường còn hạn chế. Học phí là nguồn thu chủ yếu. Vấn đề cũng hàm chứa rủi ro về tài chính trong bối cảnh việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, còn một tỷ lệ lớn giảng viên các trường đại học ngoài công lập có trình độ cử nhân. Điều này cho thấy việc tuân thủ quy định của Luật Giáo dục đại học chưa nghiêm.
Hiện nay, mỗi năm có 50.000 sinh viên tốt nghiệp từ các trường ngoài công lập, chiếm 13% số sinh viên cả nước. Theo lộ trình phát triển, đến năm 2020, sẽ có 40% số sinh viên đào tạo là từ các trường đại học công lập. Như vậy chỉ còn 3 năm nữa để đạt mục tiêu này, trong khi các trường gặp khó khăn về tiếp cận vốn và tài chính, đất đai, mặt bằng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!