ĐH Quốc gia Hà Nội không tổ chức phúc khảo bài thi năm 2015

Theo ĐT Chính phủ-Chủ nhật, ngày 15/03/2015 06:00 GMT+7

Ảnh minh họa.

Kỳ tuyển sinh năm 2015 của ĐHQGHN sẽ diễn ra 2 đợt cùng với việc thống nhất dùng 1 bài thi đánh giá năng lực phục vụ cho xét tuyển ĐH.

Kỳ tuyển sinh năm 2015 của ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ diễn ra 2 đợt vào tháng 5 và tháng 8 năm 2015 cùng với việc thống nhất dùng 1 bài thi đánh giá năng lực phục vụ cho xét tuyển vào đại học. Đáng chú ý, ĐHQGHN sẽ không tổ chức phúc khảo bài thi.

Tổ chức thi đánh giá năng lực tại 8 điểm

Cụ thể, đợt 1 sẽ kéo dài từ ngày 30-31/5/2015 (ngày 1-2/6 dự phòng). Đợt 2 từ ngày 1-2/8/2015 (ngày 3-4/8 dự phòng). Riêng thí sinh dự tuyển vào ĐHNN (ĐHQGHN) sẽ dự thi môn Ngoại ngữ vào sáng ngày 30/5/2015 (đợt 1) và sáng 1/8/2015 (đợt 2). Sau khi dự thi môn Ngoại ngữ, thí sinh sẽ dự thi đánh giá năng lực vào một trong các buổi thi còn lại.

Năm nay, ĐHQGHN tổ chức tuyển sinh tại 8 điểm thi gồm: Trụ sở ở Hà Nội; Đại học Kiến trúc Đà Nẵng (Đà Nẵng); Đại học Vinh (Nghệ An); ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa); ĐH Hàng hải Việt Nam (Hải Phòng); ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định (Nam Định) và Trường Cao đẳng Kinh tế-Tài chính Thái Nguyên.

Các thí sinh có thể thi vào tháng 5 trước kỳ thi tốt nghiệp THPT để lấy điểm bài thi đánh giá năng lực làm điều kiện xét tuyển. Sau khi ĐHQGHN công bố các thí sinh đã đạt ngưỡng trúng tuyển, các thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện nhập học vào ĐHQGHN.

Trường ĐH Ngoại ngữ sẽ xác định điểm sàn bài thi đánh giá năng lực theo từng ngành, sau đó lấy trúng tuyển theo điểm bài thi ngoại ngữ từ trên xuống.

Các hội đồng tuyển sinh sẽ gửi giấy triệu tập trúng tuyển có mã số sinh viên cho thí sinh theo mẫu quy định trước ngày 25/7/2015 (đợt 1) và trước ngày 1/9/2015 (đợt 2). Thời gian thí sinh trúng tuyển nhập học từ 25/8/2015 – trước ngày 10/9/2015 cho cả 2 đợt.

ĐHQG cũng quy định, trong một đợt thi, thí sinh chỉ được đăng ký thi một lần. Thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa 3 ngành học của một đơn vị đào tạo theo thứ tự ưu tiên và được 1 lần rút hồ sơ để nộp vào các đơn vị đào tạo khác trong ĐHQGHN. Thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 không được đăng ký xét tuyển đợt 2.

Biết điểm ngay sau khi hoàn thành bài thi

Thí sinh sẽ làm bài thi trắc nghiệm trực tiếp trên máy tính. Riêng với môn Ngoại ngữ, thí sinh thi trắc nghiệm trên phiếu trả lời trắc nghiệm.

Bài thi gồm 3 phần với 2 phần thi bắt buộc và 1 phần thi tự chọn với 140 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian đếm ngược được tính riêng với mỗi phần thi. Tổng thời gian làm bài là 195 phút.

Có một số quy tắc trong phòng thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN mà thí sinh cần lưu ý. Đó là nếu thí sinh hoàn thành sớm thì thời gian còn lại của phần thi đó không được cộng dồn sang các phần thi tiếp theo. Thí sinh chỉ được làm mỗi phần thi một lần duy nhất. Có thể nộp bài trước khi kết thúc thời gian quy định. Khi thí sinh ấn nút, hoàn thành thì sẽ không được làm lại phần thi đó.

Phần tư duy định lượng có 50 câu hỏi, làm bài trong 80 phút. Đề thi có dạng trắc nghiệm hoặc dạng trả lời ngắn (điền đáp án vào ô trống).

Trong lúc làm bài thi, nếu máy tính gặp sự cố hay có bất thường, thí sinh cần báo ngay cho cán bộ coi thi. Trước khi ra khỏi phòng thi, thí sinh phải nộp lại phiếu đăng nhập và ký vào danh sách thi.

Kết quả bài thi này có giá trị sử dụng để đăng ký dự tuyển vào ĐHQGHN trong thời gian 24 tháng kể từ ngày thi. Riêng bài thi Ngoại ngữ gồm 80 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài 90 phút. Kết quả thi Ngoại ngữ có giá trị xét tuyển vào trường ĐHNN (ĐHQGHN) trong năm 2015.

Trên cơ sở kết quả bài thi đánh giá năng lực, ĐHQGHN sẽ xét tuyển từ điểm cao xuống điểm thấp (đến điểm sàn xét tuyển quy định theo ngành học, loại chương trình đào tạo).

Điểm ưu tiên sẽ được cộng vào kết quả bài thi đánh giá năng lực. Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 5 điểm, giữa 2 khu vực kế tiếp là 2,5 điểm.

Đáng chú ý, ĐHQGHN sẽ không tổ chức phúc khảo bài thi. Kết thúc quá trình làm bài, trang kết quả bài thi sẽ hiện ra, thí sinh sẽ biết được bao nhiêu điểm.

Các sinh viên đã trúng tuyển đăng ký vào các chương trình tài năng, chuẩn quốc tế (nhiệm vụ chiến lược), học tập-giảng dạy bằng tiếng Anh, sau khi nhập học thí sinh phải làm thêm bài kiểm tra đánh giá năng lực Ngoại ngữ. Những em đủ điều kiện Ngoại ngữ theo quy định của đơn vị sẽ được vào học các chương trình này.

Riêng đối với Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN, thí sinh phải làm thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển. Môn thi do Trường ĐH Ngoại ngữ quy định trong các tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật phù hợp với yêu cầu đầu vào cho từng chương trình đào tạo.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước