Để các môn Khoa học Tự nhiên cuốn hút hơn khi dạy trực tuyến

P.V-Chủ nhật, ngày 03/10/2021 17:19 GMT+7

Bài chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam trong hội thảo

VTV.vn - Với sự quan tâm học sinh và sự cố gắng của giáo viên, các tiết học Khoa học Tự nhiên sẽ sinh động và dễ tiếp thu hơn qua phương thức dạy trực tuyến.

Câu chuyện làm sao để dạy và học trực tuyến hiệu quả và khiến các bộ môn Khoa học Tự nhiên dễ tiếp thu hơn, đã được diễn giả đưa ra trong hội thảo "Bí quyết nâng cao hiệu quả giảng dạy trực tuyến thời 4.0" do Hệ thống giáo dục Hocmai tổ chức nhằm đồng hành cùng chương trình "Sóng & Máy tính cho em" do Bộ TT&TT và Bộ Giáo dục & Đào tạo phát động.

"Tại Việt Nam, ở các môn Khoa học Tự nhiên, các thầy cô thường dạy từ quy luật đến ứng dụng", Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, một trong hai chủ trì của hội thảo nói. Thế nhưng, đó đã là phần cuối cùng của khám phá kiến thức khoa học. Theo thầy Nam, các môn Lý, Hóa, Sinh đòi hỏi nhiều học liệu khác nhau để mô tả khoa học. Khoa học không phải là cái gì mà là cách, một cách nhận thức thế giới tự nhiên thông qua các quan sát, đo lường, thực chứng.

Thầy Nam khái quát quá trình thành "quan sát khoa học-đặt câu hỏi nghiên cứu-đề xuất giả thuyết-thực nghiệm chứng minh", đi từ các sự vật hiện tượng đến xác định quy luật và từ đó đưa ra ứng dụng. Vì thế, theo thầy Nam, cách dạy đi thẳng vào quy luật rồi mới đưa các em đến phòng thí nghiệm làm các thực nghiệm chứng minh quy luật đã được học ấy, khiến các học sinh ít quan tâm, chán, vì "đã biết kết quả rồi".

Thầy Nam dẫn chứng từ kinh nghiệm dạy một bài vật lý cho lớp nhỏ "Sự rơi trong không khí". Khi bắt đầu bài giảng bằng một thực nghiệm thả rơi đồ vật thay vì đi thẳng vào dạy quy luật đã soạn sẵn trong sách. "Các học sinh bất ngờ từ việc chú tâm quan sát một hiện tượng mà các bạn có thể đã thấy nhiều lần như hiện tượng rơi trong không khí", đó là cách quan sát khoa học. Các thí nghiệm được lặp lại, từ việc thả các đồ vật ngẫu nhiên đến các đồ vật có cùng kích thước, hình dạng nhưng khác khối lượng, các đồ vật cùng khối lượng nhưng khác hình dáng… Từ đó các học sinh được yêu cầu nêu câu hỏi nghiên cứu, thầy sẽ hướng dẫn cách đặt câu hỏi để ngày càng tiếng gần hơn đến mục đích nghiên cứu về sự rơi, lực hút và sức cản không khí. Từ các kết quả thí nghiệm, được chính các em thực chứng, khi đi vào bài học, các em nhớ lâu và kỹ hơn, trực quan hơn.

Ở môi trường dạy trực tiếp, việc thí nghiệm có thể diễn ra với sự tương tác tốt hơn của các học sinh, nhưng ở môi trường trực tuyến thầy cô có thể sử dụng các video quay sẵn, chọn lựa các vật dụng thí nghiệm gần gũi, dễ kiếm và không hề tốn kém, có sẵn xung quanh các em. Như trong thí nghiệm sự rơi, thầy Nam cho biết dùng các bóng nhựa trẻ em, khoan lỗ cho nước vào, để thay đổi khối lượng và cân bằng khối lượng với các vật nhỏ hơn như viên bi sắt. Như học về ánh sáng hội tụ, hay thiên văn, có thể minh họa cho học sinh bằng kính thiên văn, hướng dẫn các em làm kính thiên văn đơn giản bằng giấy và các thấu kính có giá rẻ đang bán nhiều trên các chợ trực tuyến. Học về bay hơi và ngưng tụ thay vì phải mua bộ ống thủy tinh chuyên nghiệp, đắt tiền, có thể minh họa bằng các đường ống nấu rượu cổ truyền vốn rất dễ làm.

Cách dạy học theo kiểu STEM, dùng kiến thức đã học để giải quyết một vấn đề thực tiễn luôn kích thích các học sinh khám phá. Thầy Nam kể khi cho học sinh học về huyền phù và nhũ tương, một bài học vật lý cấp 2, thầy đã cho các em thí nghiệm bằng cách… khuấy nước sắn dây, ghi lại các kết quả hiện tượng, thấu hiểu vấn đề rồi, các em có phần thưởng là… ly sắn dây, uống cho mát.

Khác với học trực tiếp, khi thầy cô có mặt để tự làm thí nghiệm và yêu cầu các em quan sát, hoặc hướng dẫn các em tự làm thí nghiệm thì với cách dạy trực tuyến, thầy cô có thể giao việc thí nghiệm cho học sinh. Sau đó, yêu cầu học sinh phải phản hồi bằng bảng biểu, video hoặc báo cáo chi tiết. Cách giao nhiều hơn các nhiệm vụ trước bài học được thầy Nam dẫn chứng về cách dạy phép đo nhiệt độ, hướng dẫn các em từ các nhiệt kế rẻ chứa rượu màu, tự đo và phân vạch nhiệt độ bằng cách đo nước đá và nước sôi. Đo nhiệt độ nước pha muối, với cấp 2 có thể đơn giản cho các em thấy nhiệt độ sôi thay đổi khi có hàm lượng muối, với cấp 3 có thể yêu cầu các em đo nhiệt độ sôi từ nước tinh khiết đến các nước nồng độ muối khác nhau, sau đó lập bảng ghi nhận các nhiệt độ sôi các nồng độ muối khác nhau.

Với môn sinh học, thầy Nam nhấn mạnh việc tận dụng cách tận dụng hoàn cảnh thực địa và các học liệu có sẵn xung quanh, sẽ giúp khuôn khổ lớp học vượt ngoài khung máy tính, tích lũy thêm nhiều kiến thức cho học sinh. "Một cảnh quay thực địa như cách gà đẻ ở nhà, một buổi hẹn với học sinh về việc livestream các hoạt động thực như bò đẻ, thú y… sẽ là các học liệu thú vị, trực quan và gắn kết với học sinh", thầy Nam nói.

Điều khó khăn cho thầy cô ở cách dạy này là chuẩn bị bài giảng và sáng tạo ra các cách thức gần gũi để thí nghiệm truyền đạt được kiến thức, ngay cả việc giao thực hành thí nghiệm cho các em, yêu cầu quay video cũng phải xem xét các điều kiện để các em có thể thực hiện được. Một phương pháp khác là xây dựng thí nghiệm mô phỏng trên máy tính, "Sử dụng mô phỏng sẽ đỡ nhiều chi phí thực hành thí nghiệm nhưng khó làm vì đòi hỏi các hiểu biết công nghệ thông tin và máy móc". Riêng với thầy Vũ Khắc Ngọc, thầy giáo hóa học nổi tiếng cho rằng, "vì chương trình khoa học tự nhiên có sự tương đồng cao ở nhiều quốc gia trên thế giới, nên các thầy cô có thể tìm thấy các học liệu, mô phỏng, miễn phí và phù hợp với nhu cầu giảng dạy của mình trên các kho học liệu nước ngoài". Chỉ với ít công phu tìm kiếm qua Google, thầy cô có thể tìm thấy nhiều học liệu thú vị, thay vì phải tự làm.

Thầy Ngọc cũng đề xuất các giáo viên chung bộ môn ở trường, thậm chí hệ thống liên trường, hỗ trợ nhau xây dựng hệ thống học liệu, kho tài nguyên học tập: bài giảng, bài tập, trò chơi chung để sử dụng chung cho việc giảng dạy. Thầy Ngọc cho biết hệ thống bài giảng, các video của hệ thống Hocmai phải được tích lũy qua rất nhiều năm với nhiều thời gian làm công phu, vất vả. Nếu nhiều thầy cô có thể chia sẻ, chung tay với nhau xây dựng hệ thống, sẽ không phải tốn nhiều thời gian như vậy và sẽ đỡ gánh nặng cho các thầy cô.

Thầy Vũ Khắc Ngọc cũng nêu ra kiến nghị cho các lãnh đạo nhà trường trong buổi hội thảo về việc có thể sắp xếp lại thời khóa biểu và phân công lại chuyên môn sẽ giúp ích nhiều cho các thầy cô và học sinh. Theo thầy Ngọc, hiện nay, thời khóa biểu học ở trường thế nào phải học trực tuyến như thế, ngay cả với các lớp sĩ số thấp, các thầy cô dạy theo thời gian thực bị lặp lại các bài, không có thời gian đầu tư chuyên môn. Vì thế, có thể sắp xếp lại thời khóa biểu, gộp các lớp ít vào học chung một lớp, khác với học trực tiếp, lớp học trực tuyến có không gian lớn hơn cho nhiều học sinh vào học cùng hơn. Song song đó là phân công lại chuyên môn, theo đó, khi gộp lớp các thầy cô có thể đăng ký các tiết, bài mà mình dạy tốt nhất. Khi chia các hệ thống bài mình dạy ưng ý nhất với nhau, thầy cô dạy hào hứng hơn và các em học sinh cũng có lợi hơn khi tiếp nhận. Phân lại thời khóa biểu, phân công chuyên môn và xây dựng hệ thống học liệu trực tuyến chung cho toàn trường, cùng đóng góp và có thể sử dụng chung đã nói, sẽ giúp các thầy cô nhẹ hơn về mặt thời gian, các học sinh cũng không phải ngồi trước máy tính quá nhiều, có thời gian để tái tạo, đầu tư và việc dạy và học.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước