ĐBQH băn khoăn về chất lượng dạy học trực tuyến, vấn đề biên chế giáo viên

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 09/11/2021 17:40 GMT+7

Học sinh, sinh viên nhiều nơi đang phải học trực tuyến vì COVID-19 (Ảnh minh họa: VOV)

VTV.vn - Các đại biểu Quốc hội cho rằng, chất lượng việc dạy và học chưa được đảm bảo trong khi nhiều gia đình không thể trang trải tiền mua máy tính, điện thoại cho con cái.

Chất lượng việc dạy và học chưa được đảm bảo

Tại phiên thảo luận về KT-XH và phòng chống COVID-19 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đã đề cập tới những khó khăn trong việc dạy học trực tuyến.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (TP Hà Nội) cho biết, dịch bệnh phức tạp khiến học sinh ở nhiều địa phương không được đến trường, phải học trực tuyến trong thời gian dài. Bên cạnh đó, nhiều em học sinh không thể tiếp cận với điều kiện học tập trực tuyến do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do vậy, đại biểu đề nghị ngành giáo dục có chính sách bảo đảm sự đồng đều về chất lượng dạy và học trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, sớm có hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân khó khăn trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao.

ĐBQH băn khoăn về chất lượng dạy học trực tuyến, vấn đề biên chế giáo viên - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính phát biểu. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những biện pháp lấp lỗ hổng về kiến thức cho học sinh giữa các vùng học sinh học trực tiếp và trực tuyến, giảm tải một số chương trình không cần thiết.

Với vai trò là một giáo viên, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) chia sẻ, toàn ngành giáo dục và bản thân các thầy cô giáo đã có nhiều cố gắng chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai dạy và học trực tuyến giữa muôn vàn khó khăn. Qua đó thể hiện sự thích nghi nhanh chóng của ngành giáo dục với tiến bộ khoa học công nghệ, biến nguy thành cơ, bảo đảm mục tiêu kép.

ĐBQH băn khoăn về chất lượng dạy học trực tuyến, vấn đề biên chế giáo viên - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Hà phát biểu. Ảnh: TTXVN

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, bên cạnh những đột phá trong việc dạy và học trực tuyến, vẫn tồn tại những khó khăn bất cập:

- Chất lượng việc dạy và học chưa được đảm bảo do rất nhiều yếu tố khách quan đem lại như chất lượng của đường truyền không ổn định. Một bộ phận thầy cô giáo đặc biệt là những giáo viên lớn tuổi gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Chất lượng dạy tuyến bị ảnh hưởng một phần bởi thiết bị sử dụng dạy và học còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Việc quản lý học sinh trong quá trình học tập chưa thật hiệu quả.

Mặc dù Chính phủ đã phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thực tế.

- Việc dạy và học trực tuyến kéo dài đã gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dạy và người học. Khi phải ngồi tiếp xúc với thiết bị điện tử lâu và không vận động trong thời gian dài, học sinh nảy sinh tâm lý lo lắng khi bị giảm tương tác với thầy cô và bạn bè trong khi nhiều phụ huynh chưa tương tác hợp lý với con trong quá trình học trực tuyến. Giáo viên nảy sinh áp lực tâm lý khi "một tiết dạy, trăm mắt nhìn".

"Khán thính giả của giáo viên trong giờ học trực tuyến giờ đây không chỉ là học sinh mà còn là phụ huynh học sinh, dư luận và cả mạng xã hội" - đại biểu Hà nói.

Một vấn đề cũng được nhiều cử tri quan tâm là điểm chuẩn đầu vào của nhiều trường đại học tăng mạnh, nhiều thí sinh điểm gần như tuyệt đối vẫn trượt đại học.

Chi phí cho con cái học trực tuyến là chi phí phát sinh lớn nhất

Đại biểu Nguyễn Thị Hà đã nêu ra một số đề nghị như sau:

- Đề nghị Chính phủ giao các bộ hữu quan có kế hoạch nâng cấp đường truyền để đảm bảo chất lượng băng thông luôn ổn định, mở rộng nhiều đối tượng được tiếp cận với chương trình "Sóng và máy tính cho em". Nghiên cứu các hình thức thu hút doanh nghiệp thực sự tham gia vào chương trình để sớm đạt được mục tiêu không học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

- Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu tổ chức nhiều chương trình đối thoại trao đổi giữa cấp quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh để chia sẻ và cởi bỏ áp lực tâm lý của các bên khi học trực tuyến kéo dài.

- Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ hữu quan nghiên cứu xây dựng các phần mềm quản lý việc dạy, học và tổ chức dạy học trực tuyến phù hợp hiệu quả tiên tiến và thân thiện với người dùng. Tăng cường tập huấn việc sử dụng công nghệ thông tin nói chung và việc sử dụng các phần mềm dạy học hữu ích nói riêng cho giáo viên và học sinh để nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến, ngay cả khi không có dịch xảy ra.

- Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu lại các phương thức xét tuyển đại học. Tìm giải pháp mở cánh cửa cho những học sinh điểm cao có thể được vào được đúng trường đại học mơ ước cũng như giải bài toán hướng nghiệp để đạt mục tiêu khuyến học và lựa chọn nhân tài lên cao nhất.

ĐBQH băn khoăn về chất lượng dạy học trực tuyến, vấn đề biên chế giáo viên - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Trần Thị Thu Phước phát biểu. Ảnh: TTXVN

Liên quan đến chương trình "Sóng và máy tính cho em", đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) cho rằng, Báo cáo của Chính phủ chưa thống kê số lượng đối tượng trẻ em thực sự cần hỗ trợ và số lượng trẻ em đã nhận hỗ trợ để có thể xác định hành động, giải pháp kế tiếp. Trong khi đó, một khảo sát nhanh vào tháng 8/2021 trên 69.000 người lao động cho thấy, trong bối cảnh dịch COVID-19, chi phí cho con cái học trực tuyến là chi phí phát sinh lớn nhất của người lao động.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước cho biết, rất nhiều gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum gặp khó khăn và không thể trang trải số tiền hơn 3 triệu đồng để mua điện thoại thông minh hoặc 10 triệu đồng để mua 1 chiếc máy tính. Do đó, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét, bổ sung, làm rõ nội dung này trong báo cáo và có những định hướng, giải pháp cụ thể hơn trong thời gian tới.

Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh và xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ như hiện nay, theo đại biểu Trần Thị Thu Phước, hình thức học trực tuyến cần được xác định không chỉ là giải pháp tình thế, mà còn là một xu hướng tất yếu, lâu dài. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến của học sinh, sinh viên thời gian qua; xác định những vướng mắc, bất cập và có giải pháp để giải quyết, phát huy ưu điểm của hình thức giáo dục đào tạo trực tuyến trong thời gian tới.

ĐBQH băn khoăn về chất lượng dạy học trực tuyến, vấn đề biên chế giáo viên - Ảnh 4.

Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến (Điện Biên)

Cũng về liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) phát biểu về thực trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên. Ở một số địa phương trong đó có tỉnh Điện Biên hiện thiếu hàng nghìn giáo viên, việc giao định mức giáo viên đứng lớp chưa đảm bảo theo quy định nhưng khi giao chỉ tiêu tinh giảm biên chế lại căn cứ vào số biên chế hiện có tức là tinh giảm khi định mức giáo viên đứng lớp chưa giao đủ theo quy định.

Đại biểu Luyến chia sẻ, các tỉnh miền núi địa hình chia cắt giao thông đi lại khó khăn, 1 trường có nhiều điểm trường, việc thực hiện xã hội hóa giáo dục không khả thi, đại biểu cho rằng, việc cắt giảm số người làm việc hàng năm để đảm bảo đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 sẽ dẫn đến ngày càng thiếu giáo viên đứng lớp, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Từ thực tế nêu trên, đại biểu kiến nghị Bộ Nội vụ cần xem xét, nghiên cứu đến các yếu tố của các tỉnh miền núi đồng thời phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo khảo sát thực tế để có giải pháp sớm tháo gỡ cho các địa phương về vấn đề này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước