Dạy học trực tuyến sẽ sớm là phương thức dạy học chính thức

T.K-Thứ năm, ngày 04/06/2020 10:25 GMT+7

VTV.vn - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, dạy học trực tuyến không phải là phương thức tình thế và tới đây sẽ tiếp tục được triển khai, cộng hưởng với dạy học trực tiếp.

"Dạy học trực tuyến vốn đã được triển khai từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện bài bản, rộng khắp. Trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội phòng chống COVID-19 vừa qua vừa là giai đoạn khó khăn với ngành Giáo dục nhưng cũng vừa là cơ hội để ứng dụng công nghệ trong dạy và học", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhận định tại hội nghị trực tuyến với 63 Sở GD&ĐT và 34 trường đại học về đánh giá chất lượng dạy học từ xa, qua Internet, trên truyền hình diễn ra vào chiều 3/6.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thời điểm cả nước phòng chống đại dịch COVID-19, với phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng việc học", học sinh các cấp học đã được tiếp cận với kiến thức, với thầy cô qua môi trường mạng.

Theo Bộ trưởng Nhạ, với quyết tâm rất cao của toàn ngành, sự quan tâm, đồng hành của các công ty công nghệ, nhà mạng, sự vào cuộc tích cực của các địa phương, cơ sở giáo dục, phương thức dạy và học từ xa, học trực tuyến, qua truyền hình đã được tổ chức tốt và bước đầu đạt kết quả tích cực; được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận.

Dạy học trực tuyến sẽ sớm là phương thức dạy học chính thức - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến với 63 Sở GD&ĐT và 34 trường đại học về đánh giá chất lượng dạy học từ xa, qua Internet, trên truyền hình diễn ra vào chiều 3/6.

"Ngành Giáo dục coi đây là cơ hội để quyết tâm đẩy nhanh chuyển đổi số. Quá trình triển khai dạy và học trực tuyến vừa qua khẳng định ngành Giáo dục có nhiều tiềm năng, thế mạnh để tiên phong ứng dụng công nghệ. Đồng thời, khẳng định phương thức dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch mà còn là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học; qua đó giải phóng năng lượng lớn cho giáo viên, giảm tải các thủ tục hành chính, nhiều kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ, nâng lên", Bộ trưởng Nhạ nói.

Bộ trưởng cũng cho hay, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tổ chức thí điểm tại 5 tỉnh với khoảng 20 trường học mô hình dạy học trực tuyến, qua đó rút kinh nghiệm nhân rộng. "Tới đây triển khai chương trình GDPT mới, môn Tin học sẽ được đưa vào giảng dạy bắt buộc từ lớp 3, cùng tiếng Anh, chúng ta tin rằng sẽ có những thế hệ công dân toàn cầu với năng lực cạnh tranh tốt".

324 bài học đã được phát trên kênh VTV7 và kênh K+. Các thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu về tỷ lệ học sinh học qua internet (86,5%) và trên truyền hình (87,5%). Tiếp đó là các địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng, Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tỷ lệ học sinh học qua internet và trên truyền hình dưới 50% chủ yếu do khó khăn về hạ tầng, cơ sở vật chất là khu vực miền núi phía Bắc, trung du phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Tại Hội nghị, nhìn lại hơn 4 tháng triển khai dạy học từ xa, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết, các cơ sở giáo dục đã tổ chức tốt việc dạy học qua internet, trên truyền hình cho tất cả đối tượng học sinh, đảm bảo mọi học sinh đều được học. Các Sở GD&ĐT tích cực đóng góp bài giảng, tham gia xây dựng nội dung dạy học trên truyền hình. Bộ GD&ĐT tiến hành thẩm định, lựa chọn nội dung dạy học phát sóng trên các kênh sóng của VTV: VTV7 và K+, thông báo để các Đài truyền hình địa phương tiếp sóng.

Dạy học trực tuyến sẽ sớm là phương thức dạy học chính thức - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học báo cáo tại Hội nghị

"Nhìn chung, đào tạo trực tuyến đã góp phần giúp hầu hết các địa phương kết thúc năm học trước 15/7/2020, chất lượng giáo dục được đảm bảo, rút ngắn thời gian thực dạy khi học sinh trở lại trường học; đồng thời tăng cường sự phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh" - Ông Thành cho hay.

Dạy học trực tuyến sẽ là phương thức dạy học chính thức

Trao đổi tại Hội nghị, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trong thời gian học sinh nghỉ học do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Sở đã tổ chức 3 phương thức dạy học gồm: Học trên truyền hình, học trực tuyến và học trên phần mềm học và thi trực tuyến Hanoi Study, thu hút từ 98% đến 100% học sinh tham gia.

Tại Quảng Ninh, theo bà Nguyễn Thị Thuý, Giám đốc Sở GD&ĐT, để đạt được con số gần 93% học sinh THPT được học tập từ xa, qua internet, truyền hình là do các trường học ở Quảng Ninh cơ bản được trang bị hệ thống dạy học hiện đại, trường học thông minh. Các nhà trường, giáo viên tham gia tích cực. Các tập đoàn công nghệ, nhà mạng hỗ trợ rất tích cực. Hiện nay, Quảng Ninh là một trong 5 tỉnh đang triển khai thí điểm mô hình dạy học trực tuyến.

Đại diện Sở GDĐT Hà Nội và Quảng Ninh đều cho rằng, để phương thức đào tạo trực tuyến tiếp tục phát huy hiệu quả và duy trì lâu dài, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành quy định về tính pháp lý cho việc dạy học và công nhận kết quả học trực tuyến; hướng dẫn cụ thể về điều kiện triển khai, đồng thời hỗ trợ về đường truyền, thiết bị và hệ thống tài nguyên dạy học bảo đảm thống nhất...

Về vấn đề này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, Vụ Giáo dục Tiểu học đang phối hợp với Cục Công nghệ thông tin hoàn thiện quy chế quản lý dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông. Quy chế này sẽ tạo ra hành lang pháp lý, hình thức dạy học trực tuyến được luật hoá, quy phạm hóa và được công nhận kết quả. Sau đó, Vụ sẽ xây dựng thông tư và có văn bản hướng dẫn về kỹ thuật, điều kiện đảm bảo việc dạy và học.

Theo ông Tài, hiện nay, một số thầy cô nhầm lẫn dạy trực tuyến và dạy học qua một số phần mềm. Do đó, rất cần quy định dạy học trực tuyến và quy định trách nhiệm của Sở, phòng GD&ĐT, nhà trường, cũng như các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh. Dự kiến, dự thảo thông tư sẽ được hoàn thiện trước thềm năm học mới để lấy ý kiến rộng rãi.

Dạy học trực tuyến sẽ sớm là phương thức dạy học chính thức - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu kết luận Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, dạy học trực tuyến là việc chủ động của ngành Giáo dục chứ không phải bị động đến khi đại dịch mới làm. Đại dịch tạo ra áp lực, ngành Giáo dục đã chuyển áp lực thành động lực và thực hiện được.

Theo Bộ trưởng Nhạ, có 6 phần việc cần đưa vào chương trình hành động để thực hiện một cách bài bản, thường xuyên, thúc đẩy đào tạo trực tuyến trong thời gian tới.

"Phương thức tổ chức dạy học có áp dụng công nghệ để thành thục, hiệu quả cần rất nhiều cố gắng từ các bên. Với những gì làm được thời gian qua, với quyết tâm của các địa phương, nhà trường, doanh nghiệp và toàn xã hội, mục tiêu phát triển dạy học trực tuyến tới đây sẽ thành hiện thực và trở thành công cụ, phương thức không thể thiếu", Bộ trưởng Nhạ khẳng định.

Bộ GD&ĐT: Năm 2021 sẽ quy định về dạy học trực tuyến, qua truyền hình Bộ GD&ĐT: Năm 2021 sẽ quy định về dạy học trực tuyến, qua truyền hình

VTV.vn - Năm 2021, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy định về dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình; tổ chức biên soạn tài liệu dạy học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục thường xuyên


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước