Đánh giá kỹ tác động các chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi đối với nhà giáo

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 08/10/2024 17:02 GMT+7

VTV.vn - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tiếp tục rà soát, làm rõ một số chính sách tiền lương, ưu đãi đối với nhà giáo, đảm bảo tính khả thi, công bằng.

Nhiều chính sách đột phá tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với nhà giáo

Ngày 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo. Báo cáo việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, các nội dung chính sách quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với nhà giáo đã được rà soát kỹ lưỡng để vừa đảm bảo có đột phá, vừa phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới.

Theo Dự thảo Luật, lương cơ bản của nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn, đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác. Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Chính sách hỗ trợ nhà giáo bao gồm: Chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; Chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; Chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp; Miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác; Phụ cấp lưu động đối với nhà giáo làm công tác xóa mù chữ.

Đánh giá kỹ tác động các chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi đối với nhà giáo - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Với các chính sách dự kiến quy định tại Luật Nhà giáo, dự kiến làm phát sinh tăng một số ngân sách. Theo đó, nếu thực hiện bồi dưỡng giáo viên theo hình thức tập trung thì ngân sách bồi dưỡng hàng năm tăng thêm khoảng 198,75 tỷ đồng; nếu thực hiện theo hình thức từ xa thì ngân sách bồi dưỡng hàng năm tăng thêm khoảng 39,75 tỷ đồng; nếu thực hiện theo hình thức bán tập trung thì ngân sách bồi dưỡng hàng năm tăng thêm khoảng 99,375 tỷ đồng.

Chi phí phát sinh để chi trả phụ cấp lưu động đối với giáo viên dạy liên trường/năm học khoảng 49,9 tỷ đồng.

Về chính sách tiền lương và phụ cấp ưu đãi nghề, ngân sách nhà nước sẽ phát sinh cho việc chi trả lương và phụ cấp ưu đãi nghề cho nhà giáo. Theo đề xuất phương án quy định chi tiết tại dự thảo Nghị định thì bảng lương của giáo viên mầm non, phổ thông công lập có sự điều chỉnh để phù hợp với tính chất, mức độ phức tạp của công việc đối với nhà giáo ở các cấp học.

Chi phí phát sinh tăng thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ khoảng 1.068 tỷ đồng/tháng tức là hàng năm ngân sách phải bổ sung 12.816 tỷ đồng.

Với quy định nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chi phí phát sinh tăng thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ khoảng 22 tỷ đồng/tháng tức là hàng năm ngân sách phải bổ sung 264 tỷ đồng.

Nếu bổ sung chính sách miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên thì hàng năm ngân sách nhà nước phải cấp chi trả thêm 9.212,1 tỷ đồng.

Nhà nước cũng sẽ phải đầu tư kinh phí để thực hiện việc rà soát các văn bản pháp luật hiện hành, ban hành Luật mới và sửa các Luật và văn bản dưới luật hiện hành có liên quan.

Dự thảo Luật Nhà giáo đủ điều kiện để trình Quốc hội

Tại Phiên họp, đa số các ý kiến tại Phiên họp đều đồng tình cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo đến thời điểm hiện tại đã đáp ứng đủ điều kiện trình Kỳ họp thứ 8 để các đại biểu Quốc hội thảo luận lần đầu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tích cực, khẩn trương tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 37 để hoàn thiện dự thảo Luật. Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, các nội dung đã được điều chỉnh tại luật chuyên ngành khác thì không quy định tại dự thảo Luật Nhà giáo; chỉ quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội; không quy định cụ thể, chi tiết luật hóa nghị định, thông tư vào dự thảo Luật này.

Đánh giá kỹ tác động các chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi đối với nhà giáo - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Đối với các nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan cần chú ý bảo đảm đánh giá tác động đến đâu thì quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đến đó, không quy định dàn trải. Đồng thời tiếp tục rà soát bảo đảm tính phù hợp, khả thi của từng chính sách áp dụng cho từng nhóm đối tượng áp dụng.

Đối với chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục rà soát, bảo đảm khung chính sách được cụ thể hóa đầy đủ, tránh quy định chính sách chung chung. Trong đó, với quy định tại khoản 1, Điều 6 là Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, bảo đảm về số lượng, cơ cấu và chất lượng thì cần liệt kê các chính sách cụ thể, không giữ quy định như hiện nay vì bao hàm quá rộng.

Theo Chủ tịch Quốc hội, báo cáo tiếp thu, giải trình của Chính phủ cũng cần làm rõ một số chính sách ưu tiên, điều kiện đảm bảo đối với các đối tượng nhà giáo như chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi, chính sách hỗ trợ miễn học phí… Việc đánh giá kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tính khả thi, đảm bảo tính công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác.

Nhấn mạnh dự án Luật Nhà giáo là dự án Luật được ngành giáo dục quan tâm, nhưng cũng là dự án luật khó, với phạm vi tác động lớn, có nhiều nội dung phức tạp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, với tinh thần khẩn trương, thận trọng và kỹ lưỡng, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo hết sức quan tâm; các bộ, ngành có liên quan, nhất là Bộ Tư pháp cần "gác cổng" về mặt kỹ thuật lập pháp cho dự án Luật Nhà giáo để không sai về từ ngữ, các điều khoản không chồng chéo với quy định của các luật khác có liên quan.

Đánh giá kỹ tác động các chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi đối với nhà giáo - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Phát biểu kết thúc nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về sự thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm tạo khung khổ pháp lý thuận lợi và thống nhất cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo cũng như bảo vệ, tôn vinh nghề giáo. Hồ sơ dự án luật, đặc biệt là dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, bố cục và nội dung có sự thay đổi khá căn bản. Do vậy, để thuận lợi cho cả Chính phủ và Cơ quan chủ trì thẩm tra cũng như tạo sự đồng thuận ngay từ đầu đối với đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện xây dựng Tờ trình mới kèm theo dự thảo Luật và hồ sơ để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8; báo cáo cấp có thẩm quyền những chính sách đặc thù khác với các luật khác.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại Phiên họp hôm nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, cần phấn đấu xây dựng dự án Luật Nhà giáo trở thành một luật mẫu về đổi mới tư duy xây dựng luật đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, theo hướng ngắn, gọn, rõ, đảm bảo đúng thẩm quyền và sau khi ban hành thực hiện được ngay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước