Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 đã dành khoảng 8.400 tỷ đồng để đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông dân tộc bán trú, đồng thời, xoá mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm học mới sắp bắt đầu, mặc dù còn nhiều khó khăn, các địa phương đều đang nỗ lực để đảm bảo quyền đi học của con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trung Chải (Thị xã Sa Pa, Lào Cai), suốt cả 4 ngày nghỉ lễ 2/9, thầy và trò của trường không nghỉ ngày nào mà cùng nhau chuẩn bị cho năm học mới. Không quản ngại các điểm trường xa xôi, cách trở, 150 hộ dân người Mông, người Dao trong thôn cũng chung tay chuẩn bị cho ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.
Để trẻ em các vùng đồng bào dân tộc quay trở lại trường đông đủ trong năm học mới đòi hỏi nhiều nỗ lực. Đặc biệt, trẻ em gái có nguy cơ bỏ học cao hơn các nhóm trẻ em khác bởi nạn tảo hôn, gia cảnh khó khăn hoặc vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ. Giáo viên nhiều trường đã phải thường xuyên đến tận nhà, vận động các gia đình cho con em tiếp tục đến trường.
Cả nước hiện có hơn 1.400 trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú. Mục tiêu là tạo điều kiện và huy động tối đa học sinh trong độ tuổi tới trường, nâng cao chất lượng giáo dục cho con em đồng bào các dân tộc.
Những trang sách mới, những bữa cơm đủ đầy dinh dưỡng hơn và những lớp học mới được sửa sang, hành trình gieo chữ trên những vùng đất khó vẫn miệt mài như thế ở nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!