Đại học Xây dựng kỷ niệm 20 năm Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam

T.K-Thứ hai, ngày 25/11/2019 16:06 GMT+7

VTV.vn - Chiều 25/11/2019, Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV) đã được tổ chức tại Trường Đại học Xây dựng.

Được thành lập từ năm 1999, chương trình PFIEV được triển khai tại 4 trường đại học của Việt Nam là: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Xây dựng (ĐHXD).

Đại học Xây dựng kỷ niệm 20 năm Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam - Ảnh 1.

Lãnh đạo các trường đại học đào tạo chương trình PFIEV tới dự lễ kỷ niệm tại trường Đại học Xây Dựng.

Chương trình PFIEV được các trường đào tạo kỹ sư nổi tiếng của Pháp tham gia gồm Trường Centrale-SupÉlec; Trường quốc gia Bách khoa Grenoble; Trường quốc gia Cơ khí và Hàng không Poitiers; Trường quốc gia khoa học ứng dụng Lyon; Trường Cầu đường Paris; Trường quốc gia Bách khoa Toulouse; Trường Đại học quốc gia Viễn thông Bretagne; Trường Bách khoa Marseille; cùng với Trường Trung học Louis Le Grand hợp tác xây dựng chương trình đào tạo giai đoạn đại cương.

Đại học Xây dựng kỷ niệm 20 năm Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam - Ảnh 2.

PGS TS. Phạm Duy Hòa - Hiệu trưởng trường Đại học Xây Dựng phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Qua 20 năm hoạt động, Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam - PFIEV đã tuyển sinh được 21 khóa với gần 6.300 sinh viên. Từ năm 2004 đến năm 2019, Chương trình PFIEV có 16 khóa tốt nghiệp với khoảng 4.000 kỹ sư, trong đó có hơn 300 sinh viên PFIEV đi học song bằng và thực tập tốt nghiệp tại các trường đối tác Pháp theo các nguồn học bổng khác nhau như: học bổng 322 của Chính phủ Việt Nam và các học bổng của phía Pháp. Bên cạnh đó, do được trang bị tốt về kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ nên sinh viên PFIEV có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hoặc học tiếp lên trình độ cao hơn với tỷ lệ bình quân gần 70% sau 3 – 6 tháng tốt nghiệp và gần 100% sau 1 năm tốt nghiệp.

Đại học Xây dựng kỷ niệm 20 năm Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam - Ảnh 3.

Chương trình PFIEV được các trường đào tạo kỹ sư nổi tiếng của Pháp tham gia.

Cùng với thành công của 11 chuyên ngành đào tạo kỹ sư từ ngày đầu thành lập năm 1999, Chương trình PFIEV liên tục phát triển thêm các chuyên ngành mới. Đến năm 2017, PFIEV đã có 16 chuyên ngành và đến nay, năm 2019 đã có 18 chuyên ngành. Chương trình đào tạo của PFIEV được đổi mới căn bản về giáo trình, phương pháp đào tạo; gắn học tập với nghiên cứu khoa học và thực hành tại doanh nghiệp công nghiệp; chú trọng phát triển đồng bộ kiến thức, kỹ năng, thực hành nghề nghiệp, đặc biệt quan tâm đến phát triển năng lực tư duy, sáng tạo và kỹ năng khởi nghiệp của người học; chương trình và cơ sở đào tạo được kiểm định đạt chuẩn quốc tế, tạo ra bước đột phá đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển đất nước, tạo dựng được mô hình điển hình về đào tạo chất lượng cao trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, rất cần được phát huy và nhân rộng

Để đảm bảo cho việc đào tạo kỹ sư của Chương trình PFIEV vận hành theo mô hình đào tạo kỹ sư của Pháp, song song với việc xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, đầu tư trang thiết bị thí nghiệm thì công tác hỗ trợ sư phạm của giảng viên các trường Pháp tại Việt Nam cũng rất quan trọng. Tính đến cuối năm 2019, đã có hơn 600 lượt giáo sư, chuyên gia Pháp sang công tác tại Việt Nam trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình PFIEV gồm: giảng dạy chuyên đề; tham gia hội đồng đánh giá sinh viên tốt nghiệp; tổ chức hội thảo khoa học; xây dựng chương trình đào tạo; hướng dẫn vận hành sử dụng thiết bị thí nghiệm; họp Ủy ban định hướng và đánh giá; họp Hội đồng hoàn thiện quốc gia PFIEV.

Đại học Xây dựng kỷ niệm 20 năm Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam - Ảnh 4.

Qua 20 năm hoạt động, Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam - PFIEV đã tuyển sinh được 21 khóa với gần 6.300 sinh viên.

Trong quá trình hoạt động của PFIEV đã có trên 20 doanh nghiệp tham gia rà soát, phát triển chương trình đào tạo; 7 doanh nghiệp cung cấp học bổng cho sinh viên; 9 doanh nghiệp tài trợ vật chất, tài liệu cho chương trình; 36 doanh nghiệp tham gia giảng chuyên đề cho sinh viên; 95 doanh nghiệp nhận sinh viên đến thực tập; 13 doanh nghiệp hợp tác nghiên cứu với Chương trình PFIEV ở 4 trường đại học Việt Nam.

Đại học Xây dựng kỷ niệm 20 năm Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam - Ảnh 5.

Để khẳng định chất lượng đào tạo của Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã mời Ủy ban bằng kỹ sư Pháp - CTI đánh giá, công nhận kiểm định chất lượng đối với các chuyên ngành của Chương trình PFIEV: lần thứ nhất giai đoạn 2004-2010, lần thứ 2 giai đoạn 2010-2016 và lần thứ 3 giai đoạn 2016-2022. Đồng thời, cơ quan kiểm định các chương trình đào tạo kỹ sư Châu Âu công nhận thương hiệu châu Âu Master program lần thứ nhất giai đoạn 2010- 2016; lần thứ hai giai đoạn 2016 - 2022.

Cùng với việc công nhận trình độ thạc sĩ cho kỹ sư tốt nghiệp Chương trình PFIEV của Ủy ban bằng kỹ sư Pháp và Cơ quan kiểm định các chương trình kỹ sư châu Âu, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã có văn bản xác nhận văn bằng PFIEV tương đương trình độ thạc sĩ khi xét tuyển học tiếp lên trình độ cao hơn.

Đại học Xây dựng kỷ niệm 20 năm Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam - Ảnh 6.

Ông Michel Cosnard – Chủ tịch HCERES trao chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cho 4 trường Đại học

Trước đó, ngày 12/6/2017, Hội đồng cao cấp đánh giá nghiên cứu và giảng dạy đại học Pháp (HCERES) đã quyết định công nhận 4 trường thành viên PFIEV đạt chuẩn kiểm định HCERES ở mức cao nhất – cũng là chuẩn kiểm định Châu Âu - trong giai đoạn 2017 – 2022. 4 trường thành viên PFIEV là 4 trường đại học đầu tiên của Việt nam được tổ chức quốc tế đánh giá, công nhận kiểm định cơ sở đào tạo. Đây cũng là một bước phát triển của giáo dục đại học Việt Nam, phù hợp với chủ trương của Chính phủ đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và nâng tầm giáo dục đại học Việt Nam lên ngang với khu vực và thế giới.

Từ cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, cùng với sự đổi mới về kinh tế- xã hội, giáo dục đại học Việt Nam cũng thay đổi nhanh chóng, nhằm đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Ngày 12 tháng 11 năm 1997, nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh khối Pháp ngữ tại Hà Nội, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng thống Jacques Chirac, đại diện Chính phủ Việt Nam và đại diện Chính phủ Pháp đã ký Nghị định thư về Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (Proramme de Formation d’Ingénieurs d’Exellence au Vietnam, gọi tắt là Chương trình PFIEV).

Mục tiêu của Chương trình PFIEV là đào tạo kỹ sư có trình độ khoa học cao và đa ngành, thành thạo 2 ngoại ngữ là tiếng Pháp và tiếng Anh, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế trên các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên cho phát triển kinh tế của đất nước, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trong và ngoài nước, gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và sản xuất, tham gia vào quá trình đổi mới giáo dục đại học Việt Nam.

Chương trình PFIEV được triển khai tại 4 trường đại học của Việt Nam là: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Xây dựng (ĐHXD).

Chương trình PFIEV đã được Ủy ban bằng kỹ sư Pháp – CTI, Hội đồng cao cấp đánh giá nghiên cứu và giảng dạy đại học Pháp (HCERES) đánh giá công nhận kiểm định chất lượng.

Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã có văn bản xác nhận văn bằng PFIEV tương đương trình độ thạc sĩ khi xét tuyển học tiếp lên trình độ cao hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước