Đại học tự chủ trước áp lực tuyển sinh giữ chất lượng

Thanh Hải, Minh Quân-Thứ hai, ngày 01/08/2022 12:21 GMT+7

VTV.vn - Không tăng học phí, làm thế nào giữ chân giảng viên là áp lực khó khăn rất lớn với nhà trường, đặc biệt với những trường tự chủ.

Áp lực cạnh tranh của các trường đại học trong tuyển sinh khi phải giải bài toán nhiều yêu cầu không thu học phí quá cao nhưng vẫn phải đủ kinh phí đầu tư và vẫn siết chặt tuyển sinh đầu vào để đảm bảo chất lượng.

Năm nay, có đến 20 phương thức tuyển sinh để tăng thêm cơ hội vào đại học cho các thí sinh nhưng cũng là áp lực không nhỏ với các trường công lập thực hiện tự chủ tài chính.

Đại học tự chủ trước áp lực tuyển sinh giữ chất lượng - Ảnh 1.

Các trường này chịu áp lực cạnh tranh trong tuyển sinh rất lớn khi phải giải bài toán cân đối giữa việc không thu học phí quá cao để thu hút người học với việc có nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, giữ chân giảng viên, trong khi vừa phải siết chặt tuyển sinh đầu vào để đảm bảo chất lượng.

Con trúng tuyển bằng hình thức xét học bạ vào 2 trường đại học ở TP Hồ Chí Minh nhưng gia đình anh Long quyết định chọn vào một trường công lập tự chủ. Anh cho rằng, trường như vậy học phí không quá cao mà vẫn có sự kiểm soát chất lượng tuyển sinh. Anh cho rằng, việc tuyển sinh qua xét học bạ ở nhiều trường quá dễ dàng nên khó kiểm soát được chất lượng, chưa đánh giá đúng năng lực của thí sinh.

Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm, TP Hồ Chí Minh là 1 trong 7 trường công lập đã thực hiện tự chủ. Dù đã mở rộng cơ hội cho thí sinh bằng cách xét học bạ nhưng cũng chỉ giới hạn nhận hồ sơ trước ngày 22/7, thời điểm công bố điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này đảm bảo chất lượng tuyển sinh và công bằng cho các thí sinh.

Thậm chí, một số trường đại học không tuyển sinh bằng cách xét học bạ. Như trường ĐH Quốc tế TP Hồ Chí Minh, dù có hơn 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh năm học này nhưng trường siết chặt chất lượng đầu vào, trong khi vẫn phải áp lực cạnh tranh tuyển sinh với các trường khác nên không thể tăng học phí. Vì vậy, việc cân đối thu chi để giữ chân đội ngũ giảng viên chất lượng là khó khăn của các trường.

TP Hồ Chí Minh hiện có 7 trường đại học công lập và 5 trường thuộc khối ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã thực hiện tự chủ. Các trường tự cân đối thu chi tài chính, không được hỗ trợ từ ngân sách nên chịu áp lực cạnh tranh sòng phẳng trong tuyển sinh với cả trường công lập và ngoài công lập.

Các trường cho biết, thời gian tới sẽ có điều chỉnh tăng học phí theo lộ trình để đảm bảo đầu tư cơ sở vật chất, giữ chân giảng viên và nâng cao chất lượng đào tạo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước