Điểm nổi bật của mô hình này là đổi mới từ giảng dạy theo phương pháp truyền thống sang phương pháp dạy học theo hướng học sinh giữ vai trò trung tâm, tự học, tự quản lý, tự đánh giá; giáo viên là người hướng dẫn, đồng hành cùng với học sinh, giúp các em tự tìm hiểu, tiếp cận kiến thức trong mỗi giờ học tại lớp. Phương pháp này đặt ra yêu cầu cho cả giáo viên và học sinh cần có sự điều chỉnh, thay đổi cách dạy và học phù hợp để chất lượng dạy - học đạt hiệu quả cao hơn so với phương pháp trước đây.
Cô giáo Trương Thị Nhã Trúc, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Phù Đổng, quận Hải Châu cho biết: "Mô hình này khiến các em học tập thích thú hơn, giúp học sinh tiến bộ về kĩ năng tự học, tính tự tin, tính chịu trách nhiệm, kĩ năng làm việc nhóm".
Phương pháp này đặt ra yêu cầu đối với giáo viên là cần có sự điều chỉnh, thay đổi cách dạy phù hợp để chất lượng dạy đạt hiệu quả cao hơn so với phương pháp trước đây. Cũng theo cô Trúc, nhà trường thường xuyên động viên cán bộ, giáo viên chủ động tự học, tự làm đồ dùng dạy học, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để nâng cao chất lượng giảng dạy. Trường đã tích cực tuyên truyền, chia sẻ đến phụ huynh các yêu cầu cụ thể của mô hình học kiểu mới từ đó trao đổi, giải đáp kịp thời những vấn đề phụ huynh còn thắc mắc.
Trong 3 năm triển khai (2013-2016), Đà Nẵng có 20 trường tiểu học áp dụng mô hình học kiểu mới này trong đó thí điểm ở 1 trường và nhân rộng ra 19 trường. Năm học 2016-2017, có 18 trường tiếp tục triển khai và 2 trường dừng thí điểm do khó khăn về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu, sĩ số lớp quá đông và chất lượng học sinh không đồng đều.
Theo ông Nguyễn Đắc Nhơn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quang Sung (quận Thanh Khê) - một trong hai trường dừng triển khai mô hình trường học kiểu mới trong năm học này cho biết: "Sĩ số trung bình của các lớp học hiện tại của trường từ 35-50 em/lớp nên việc triển khai mô hình gặp nhiều khó khăn. Kèm theo là cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường còn nhiều hạn chế, diện tích lớp học chỉ dưới 40 m2 nên việc chia nhóm lại trở thành như "bàn ăn tròn", học sinh phải xoay qua xoay lại mới vừa quan sát được trên bảng vừa làm việc nhóm".
Một nguyên nhân khác là chất lượng học sinh không đồng đều, đa số các học sinh giỏi sẽ phát huy rất tốt, những em chậm hơn sẽ gặp nhiều khó khăn, kèm theo việc vừa sĩ số lớp đông, giáo viên khó bao quát hết cả lớp trong một tiết học dẫn đến chất lượng học không đảm bảo.
Trưởng phòng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng) Hồ Thị Cẩm Bình cho biết: "Nhìn chung, mô hình trường học kiểu mới (VNEN) đã góp phần thay đổi, cải thiện phương pháp dạy - học và cách thức tổ chức lớp học. Mô hình giúp phát huy tính tự học, tự quản, giúp các em phát huy khả năng giao tiếp và mạnh dạn phát biểu ý kiến cá nhân nhiều hơn. Một số trường tuy đã dừng triển khai mô hình trong năm học 2016-2017 vì sĩ số lớp quá đông, giáo viên không thể quán xuyến hết được và không đủ điều kiện về cơ sở vật chất song các trường vẫn chủ động áp dụng những cái mới, cái hay và những mặt tích cực của mô hình như tổ chức lớp học, hội đồng tự quản, thư viện, góc học tập".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!